Năm học 2024-2025, Trường TH và THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã Phước Nam (Thuận Nam) tiếp tục tổ chức dạy học tiếng Chăm theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cho 740 học sinh (HS) cấp TH. Cô giáo Quảng Nữ Thẩm Bá Đạt, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Phần lớn HS của trường là con em đồng bào Chăm, biết nói tiếng Chăm nên dễ tiếp thu trong học tập. Đội ngũ giáo viên dạy học tiếng DTTS có 3 người, được đào tạo, bồi dưỡng đủ phẩm chất, năng lực và thường xuyên được tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng dạy học. Giáo viên dạy tiếng Chăm đều là người Chăm nhiệt tình trong giảng dạy, tích cực cập nhật cái mới, cái hay để đạt hiệu quả tốt nhất trong truyền thụ kiến thức. Khó khăn hiện nay là sách giáo khoa (SGK) theo Chương trình GDPT 2018 chưa được ban hành, in ấn. Nhà trường phải tận dụng nguồn SGK thuộc chương trình cũ để cấp phát cho HS học tập. Tuy nhiên, do số lượng SGK cũ bị rách nát nhiều sau thời gian dài sử dụng nên không đáp ứng đủ số lượng, 2 HS phải dùng chung một cuốn SGK.
Giờ học tiếng Chăm của thầy và trò lớp 2/2 Trường Tiểu học
và THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Thuận Nam).
Thầy giáo Nguyễn Văn Thanh, giáo viên tiếng Chăm, Trường TH và THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, chia sẻ: Để việc dạy và học tiếng Chăm đạt hiệu quả, ngoài SGK, tôi thường xuyên in bảng chữ cái và vần của tiếng Chăm cấp phát cho HS để các em có thể sử dụng bất cứ khi nào. Tôi cũng tìm kiếm tài liệu, chụp ảnh từng trang của SGK để trình chiếu lên tivi. Đối với HS từ lớp 3 đến lớp 5, tôi đưa bài học lên trang Facebook cá nhân để phụ huynh và HS theo dõi, học thêm khi ở nhà. Để tạo hứng thú cho HS trong học tập, tôi cũng chủ động tìm hiểu, tổ chức nhiều trò chơi, học thông qua các bài hát, kể chuyện. Em Thiên Kiều Lê Vy, HS lớp 2/2, Trường TH và THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, chia sẻ: Em thấy việc học tiếng Chăm không khó. Qua học tập, em thêm yêu thích, tự hào về ngôn ngữ của dân tộc mình.
Thạc sĩ Nguyễn Thế Quang, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ dạy và học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển, bảo tồn tiếng nói, chữ viết DTTS, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS, tỉnh Ninh Thuận đã nghiên cứu, đưa tiếng Chăm vào dạy học cho HS cấp TH từ năm 1978-2008; dạy học chính thức ở cấp TH từ lớp 1 đến lớp 5 theo Chương trình GDPT 2006 và đến nay tiếp tục tổ chức dạy học chính thức theo Chương trình GDPT 2018. Năm học 2024-2025, toàn tỉnh tổ chức dạy học tiếng Chăm tại 24/24 trường TH vùng đồng bào Chăm với 308 lớp/8.908 HS được học môn tự chọn tiếng Chăm từ lớp 1 đến lớp 5. Riêng cấp THCS và THPT chưa tổ chức dạy tiếng Chăm vì chưa có SGK và đội ngũ giáo viên giảng dạy. Đa số HS yêu thích học tiếng mẹ đẻ, tích cực trong học tập, nắm được những kiến thức cơ bản ở từng khối lớp. Chất lượng giáo dục tiếng DTTS được đánh giá từ đạt yêu cầu trở lên đạt 99,8%, bao gồm 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết.
Tiếng Raglai được nghiên cứu, biên soạn dạy thí điểm từ năm học 2020-2021; đến nay, đã tổ chức dạy thực nghiệm đến lớp 2 tại 17 trường TH có đông người dân tộc Raglai (trong đó huyện Bác Ái là 100%) với 150 lớp/3.774 HS.
Các chính sách đối với người dạy và người học tiếng DTTS được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Việc dạy và học tiếng DTTS đã góp phần bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS tại địa phương. Tuy vậy, khó khăn hiện nay là theo biên chế giao để thực hiện Chương trình GDPT 2018 cho các trường dạy học 2 buổi/ngày là 1,5 giáo viên/lớp; tổng số tiết theo quy định của chương trình chưa tính các tiết tự chọn. Thực tế, nếu chọn môn tiếng DTTS dạy từ lớp 1 đến lớp 5 thì tổng số biên chế được giao theo tỷ lệ 1,5 sẽ không đủ để bố trí giáo viên thực hiện chương trình. SGK hiện nay vẫn chưa được xuất bản, chưa được lưu hành, gây khó khăn cho địa phương trong phân bổ ngân sách mua cấp theo quy định.
Để nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng DTTS trong chương trình GDPT giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 142/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đi đôi với đề ra phương hướng, giải pháp trọng tâm thời gian tới, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu, đề xuất, tham mưu Chính phủ sớm ban hành chính sách dạy học tiếng DTTS thay thế Nghị định số 82/2010/NĐ-CP. Trong quá trình điều chỉnh, cần quy định rõ về biên chế, chế độ, chính sách cho người học và người dạy phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng nhóm DTTS. Bộ GD&ĐT sớm ban hành danh mục thiết bị dạy học tiếng Chăm và sớm có cơ chế xuất bản và lưu hành SGK tiếng Chăm từ lớp 1 đến lớp 5; đồng thời, đề nghị Chính phủ cân đối nguồn lực để Bộ GD&ĐT tổ chức đấu thầu, mua sắm cấp phát sách tiếng DTTS cho các địa phương; quan tâm đưa vào kế hoạch năm 2025 biên soạn mới chương trình môn học tiếng Raglai theo Chương trình GDPT 2018. Đề nghị Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, tham mưu sửa đổi Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025; trong đó, đưa dự án nâng cao chất lượng dạy học tiếng DTTS vào giai đoạn II từ năm 2026-2030 của chương trình nhằm bổ sung nguồn lực để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Lâm Anh - Ngọc Diệp