Ngành công nghiệp quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2024

Năm 2024, tỉnh ta đề ra mục tiêu phấn đấu đưa ngành công nghiệp (CN) đạt giá trị gia tăng từ 17-18%.

Để đạt được mục tiêu trên, từ đầu năm đến nay Sở Công Thương luôn bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và sự chỉ đạo của Bộ Công Thương; đồng thời chủ động tổ chức đoàn đến thăm và làm việc với 12 doanh nghiệp (DN) CN khai khoáng, chế biến và xuất khẩu, 2 dự án mới đưa vào hoạt động là Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Xây dựng Nam Khánh (khai thác và chế biến đá granite), Công ty Cổ phần Sản xuất bao bì Bắc Ái (sản xuất bao bì giấy), để nắm bắt hoạt động sản xuất và khó khăn vướng mắc; làm việc với cảng quốc tế Cà Ná, nắm bắt tình hình lưu thông qua cảng, các điểm nghẽn và khó khăn của chủ đầu tư cảng và các DN có nhu cầu vận chuyển qua cảng; mời các DN sản xuất, chế biến đá xây dựng đến họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh, gia tăng sản lượng, tìm kiếm thị trường, để phát huy hiệu quả năng lực các sản phẩm CN hiện có.

Công nhân Công ty TNHH Viet Sun Ninh Thuận (Khu công nghiệp Thành Hải) vào ca sản xuất. Ảnh: Văn Nỷ

Ngoài các giải pháp kể trên, Sở Công Thương còn tham mưu UBND tỉnh đề nghị Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn gia tăng sản lượng bia lên từ 50-70 triệu lít/năm; phối hợp Công ty TNHH Bia Sài Gòn Ninh Thuận tổ chức chương trình giới thiệu các sản phẩm bia Sài Gòn sản xuất tại Ninh Thuận và tham quan dây chuyền sản xuất tại nhà máy nhằm góp phần quảng bá bia các loại của nhà máy, nhất là sản phẩm mới (bia chai Ninh Thuận)... Nhờ đó, kết thúc 9 tháng năm 2024, giá trị sản xuất CN đạt 11.747 tỷ đồng, tăng 13,01% so với cùng kỳ. Trong đó, CN khai khoáng đạt 940 tỷ đồng, tăng 10,6%; CN chế biến đạt 5.849 tỷ đồng, tăng 12,75%; CN sản xuất và phân phối điện đạt 4.802 tỷ đồng, tăng 14,17%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 155,1 tỷ đồng, tăng 3,1%.

Đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương cho biết: Trong mức tăng trưởng chung của ngành CN 9 tháng qua, đáng chú ý có một số sản phẩm đóng góp tăng trưởng khá cho ngành như: Tinh bột mì tăng 119,3%, nhờ nguyên liệu dồi dào, thị trường tiêu thụ tốt; quần áo các loại tăng 118,4% do một số công ty nhận được đơn hàng lớn, tăng ca sản xuất; nước uống từ yến tăng 49,8% do tình tình tiêu thụ cao; muối biển tăng 36,7% do thời tiết thuận lợi, sản lượng đạt cao; thạch nha đam tăng 24,1%; sản xuất đường tăng 18,2%; sản phẩm thuốc lá điếu tăng 11,2%; bia đóng lon tăng 7,7%. Riêng điện sản xuất tăng 9,9% (trong đó, điện mặt trời tăng 16,6%). Kết quả trên đã góp phần đưa chỉ số sản xuất ngành CN (IIP) của tỉnh trong 9 tháng năm 2024 tăng 11,55% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số các ngành chủ lực có yếu tố ảnh hưởng lớn quyết định đến chỉ số tăng trưởng sản xuất chung toàn ngành như: Sản xuất và phân phối điện có mức tăng 13,03% (sản lượng điện sản xuất các loại ước tăng 9,88%; phân phối điện thương phẩm tăng 13,42%); ngành chế biến, chế tạo tăng 10,13%; ngành khai khoáng tăng 2,57%.

Những kết quả đạt được của ngành CN trong 9 tháng qua là rất đáng mừng, tuy nhiên đánh giá một cách toàn diện cho thấy, trong 22 sản phẩm chủ lực theo chỉ tiêu giao có 17 sản phẩm tăng trưởng, còn 5 sản phẩm giảm do gặp khó khăn về thị trường, nguyên liệu... Cụ thể, sản xuất đá xây dựng giảm 7,4% do hàng tồn cao, thị trường tiêu thụ chậm. Tôm đông lạnh giảm 22,6% do chịu chung ảnh hưởng kinh tế thế giới suy giảm dẫn đến sức mua thấp, các đơn hàng giảm 40% so với cùng kỳ 2023, giá cước vận tải biển tăng, thị trường nhập khẩu Mỹ liên tục áp dụng các hàng rào kỹ thuật khắt khe theo tiêu chuẩn, chất lượng cũng như thủ tục của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Nhân điều giảm 8,5% do tình hình biến động giá nguyên liệu điều thô tăng mạnh. Xi măng giảm 19,9% do thị trường tiêu thụ trong nước giảm. Muối chế biến giảm 23,2% do tình hình thời tiết không thuận lợi nên sản lượng muối thô thấp, giá nguyên liệu tăng, chất lượng tại các đồng muối chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp chế biến muối nên vẫn phải nhập khẩu muối công nghiệp, nhu cầu thị trường giảm, tồn kho còn nhiều.

Về chỉ số tiêu thụ, tính chung 9 tháng năm 2024, toàn ngành CN chế biến, chế tạo giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 83,6%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 76,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ... giảm 32%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 25,9%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 20,4%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 19,4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 7,6%. Đối với lượng hàng tồn kho, tính đến thời điểm 30/9/2024 toàn ngành CN chế biến, chế tạo tăng 25,3% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó sản xuất trang phục tăng cao với 188,4%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 102,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 12,5%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 10%; dệt tăng 0,2%.

Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc giúp các DN phát huy cao nhất năng lực sản xuất các sản phẩm hiện có theo hướng tăng trưởng bền vững, thời gian tới Sở Công Thương tiếp tục phối hợp tham mưu Đề án thành lập trung tâm CN và dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận; triển khai các quy định về khung giá, cơ chế đấu thầu các dự án năng lượng tái tạo sau khi có hướng dẫn của bộ, ngành trung ương. Tiếp tục triển khai Đề án phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước; phối hợp kêu gọi đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và khởi công các dự án điện gió, điện mặt trời có trong Quy hoạch điện VIII; đôn đốc khởi công công trình chính thủy điện tích năng Bác Ái (giai đoạn 2)...

Trước mắt, từ nay đến cuối năm tiếp tục theo dõi bám sát tiến độ và đề xuất kịp thời với UBND tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương cập nhật, bổ sung 2 dự án: Phước Thái 2 và 3 vào kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII (điều chỉnh Quyết định số 262). Phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ mời thầu dự án LNG Cà Ná. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành cơ chế giá điện gió để các dự án điện gió trong Kế hoạch điện VIII đủ điều kiện khởi công. Thường xuyên nắm bắt, làm việc và hỗ trợ kịp thời các dự án CN chế biến đang hoạt động có khả năng tăng năng lực sản xuất như: Tôm đông lạnh, nhân điều, nha đam, khăn bông, nước yến, sản phẩm may mặc, thú nhồi bông, đá granite, đường RS,... Tăng cường, phối hợp đẩy nhanh tiến độ các dự án CN mới triển khai đầu tư trong các khu, cụm CN và đầu tư hạ tầng các cụm CN để tạo năng lực tăng thêm cho ngành..., với quyết tâm phấn đấu đưa ngành CN hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đề ra.