Bảo hiểm xã hội tỉnh: Tăng tốc về đích năm 2024

Năm 2024, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Ninh Thuận tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT); giải quyết, chi trả kịp thời các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất ngiệp (BHTN); nâng cao ý thức phục vụ tổ chức, cá nhân tạo thuận lợi cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động và nhân dân đạt được nhiều kết quả, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tính đến ngày 30/9, số người tham gia BHXH bắt buộc 47.903 người, đạt 100,12%; BHTN 42.982 người, đạt 100,45%; BHYT 557.726 người, đạt 97,83% kế hoạch năm. Tỷ lệ bao phủ BHYT 557.726 người, đạt 92,77% dân số toàn tỉnh. Số thu BHXH, BHYT, BHTN 9 tháng được 1.163,27 tỷ đồng, đạt 78,65%... Công tác giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho các đối tượng thụ hưởng được triển khai kịp thời. Tổng số người hưởng chế độ BHXH trong 9 tháng 7.022 lượt người, trong đó giải quyết chế độ một lần 6.725 lượt, với số tiền 268,44 tỷ đồng; thẩm định quyết toán chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức 9.666 lượt người với số tiền 54,05 tỷ đồng; điều chỉnh và chi trả trợ cấp BHTN cho 19.651 lượt người (tăng mới 3.829 lượt người); tổ chức chi trả luơng hưu, trợ cấp BHXH 505,32 tỷ đồng/81.619 lượt người; trợ cấp thất nghiệp 69,43 tỷ đồng/19.651 lượt người. Lũy kế đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho 1.096.642 lượt với số tiền là 527,3 tỷ đồng, bằng 82,33% so với dự toán năm.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt như: Số người tham gia BHXH tự nguyện, tỷ lệ bao phủ BHYT giảm 1,67% so với cuối năm 2023; số tiền chậm đóng phải tính lãi cao, chiếm 2,80% trên tổng số thu. Nguyên nhân do đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, đồng thời với việc tăng mức lương cơ sở nên công tác tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia BHXH, BHYT tự đóng, nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT (người dân tộc thiểu số theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP) còn nhiều khó khăn... Bên cạnh đó, việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN vẫn còn xảy ra ở tất cả các địa phương.

Để khắc phục thực trạng này, trong những tháng cuối năm, ngành tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 2068/BYT-BH, chủ động triển khai thực hiện Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ đảm bảo kịp thời; đồng thời tham mưu UBND tỉnh xem xét nguồn ngân sách nhà nước để hỗ trợ BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn theo quy định pháp luật. Tăng cường công tác tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để có sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT. Tăng cường công tác đôn đốc thu, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất đối với các đơn vị chậm đóng kéo dài, số tiền lớn. Xuất, lọc danh sách người tham gia đến hạn đóng BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng gửi dịch vụ ủy quyền thu. Đôn đốc tiếp tục đổi mới các hoạt động truyền thông, đa dạng hóa các hình thức truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN trên các kênh truyền thông và môi trường mạng xã hội.