Đa dạng hình thức tuyên truyền
Được thành lập từ năm 2019, mỗi tháng câu lạc bộ (CLB) phòng, chống TH và HNCHT Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Pi Năng Tắc (Bác Ái) sinh hoạt một lần. Tại các buổi sinh hoạt, 55 thành viên được hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe bản thân, cách bảo vệ an toàn để không bị xâm hại tình dục, mua bán trẻ em, phòng ngừa kết hôn sớm. Không chỉ được cung cấp, giáo dục kỹ năng sống, giới tính, các em còn được tham gia thuyết trình, trò chơi xử lý các tình huống khi bị bạo hành hay xâm hại... Qua đó, giúp các em có kiến thức để tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của bản thân, phát triển toàn diện, hài hòa về thể chất, tinh thần cũng như trí tuệ. Thầy giáo Trần Nhật Trường, Bí thư Đoàn Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Pi Năng Tắc cho biết: Tình trạng TH và HNCHT chủ yếu là do ảnh hưởng của phong tục, tập quán và quan niệm lạc hậu trong hôn nhân. Gần đây có thêm sự tác động của mạng xã hội có nội dung xấu đã ảnh hưởng trực tiếp đến lứa tuổi vị thành niên. Để ngăn chặn tình trạng này, thời gian qua, nhà trường đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật, truyền thông, vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ, nhằm nâng cao nhận thức thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng.
Cán bộ UBND xã Phước Hà (Thuận Nam) đến từng nhà dân để tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Ngoài những cách tuyên truyền truyền thống, nhiều địa phương trong tỉnh chủ động, đổi mới đa dạng hình thức tuyên truyền, phù hợp với thực tiễn từng địa phương như: Sân khấu hóa, truyền thanh, các cuộc thi trực tuyến, trực tiếp; qua mạng xã hội... tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Đơn cử, gần đây nhất, UBND xã Phước Hà (Thuận Nam) tổ chức Hội thi tìm hiểu các chính sách pháp luật về TH và HNCHT năm 2024. Thông qua những tiểu phẩm được đầu tư dàn dựng kỹ lưỡng, công phu, hội thi giúp người dân nâng cao ý thức, đẩy lùi nạn TH và HNCHT trên địa bàn.
Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng TH và HNCHT trong vùng DTTS” và Tiểu dự án 2, Dự án 9, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm thiểu tình trạng TH và HNCHT vùng đồng bào DTTS và miền núi, các địa phương đổi mới phương thức tuyên truyền theo hướng tiếp cận trực tiếp, phù hợp với điều kiện từng vùng và đúng đối tượng. Các tổ tư vấn ở các thôn và già làng, người có uy tín tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân. Đặc biệt, khi phát hiện các đối tượng có nguy cơ TH và HNCHT, các hội, đoàn thể phối hợp đến tận nhà để tuyên truyền, phân tích rõ những tác hại, hệ lụy của TH và HNCHT để người dân biết và phòng tránh; vận động người dân thực hiện đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua loa phát thanh, xem phim phóng sự, phát sổ tay tuyên truyền, tờ rơi TH và HNCHT. Thực hiện Dự án 7, trung tâm y tế các huyện cũng tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tham gia vận động và tư vấn dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, tư vấn sức khỏe sinh sản; lồng ghép các hoạt động truyền thông tư vấn và can thiệp y tế. Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền giao lưu văn hóa, lễ hội, hội nghị, sinh hoạt cộng đồng, hoạt động ngoại khóa của các trường học,...
Nhiều chuyển biến tích cực
Ông Bạch Văn Dương, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông pháp luật trong vùng đồng bào DTTS, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng TH và HNCHT. Thông qua đó, số cặp đôi trẻ TH, HNCHT qua các năm có xu hướng giảm dần. Đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh còn có 16 trường hợp TH, không có HNCHT. Tiêu biểu có xã Phước Hà trước đây là “điểm nóng” về TH và HNCHT, nhưng nay toàn xã không xảy ra bất cứ vụ nào.
Đáng mừng, đồng bào DTTS ngày càng có ý thức về phòng, chống TH và HNCHT, chủ động cập nhật kiến thức để có thể tự vệ, tránh xa những hủ tục lạc hậu, hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn cho chính bản thân mình. Em Trà Văn Thị Niệm Kỳ, thôn Tân Hà, xã Phước Hà (Thuận Nam) chia sẻ: Thông qua hội thi, em có thêm nhiều kiến thức về hôn nhân và gia đình để bảo vệ bản thân cũng như tuyên truyền cho mọi người về hệ lụy của TH và HNCHT. Hay như em Trượng Nữ Hoàng Ngân, lớp 12 A1, thành viên CLB TH và HNCHT Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Pi Năng Tắc chia sẻ: Trước đây những kiến thức như thế này đối với các em rất xa lạ, lại có tâm lý ngại tìm hiểu nên chưa nhận thức hết được. Nhờ tham gia sinh hoạt CLB, em được tuyên truyền về tác hại của việc TH và HNCHT nên đã có ý thức, cố gắng học hành và thực hiện kết hôn đúng độ tuổi pháp luật quy định. Không riêng gì Hoàng Ngân mà mỗi thành viên của 48 mô hình CLB trong tỉnh sẽ là những tuyên truyên viên tích cực, giúp người dân thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, từng bước đẩy lùi tình trạng TH và HNCHT.
Mỹ Dung