Từ một huyện thuần nông, xuất phát điểm thấp, đến nay, Thuận Nam đã bứt phá đi lên với diện mạo khang trang, ngày càng khẳng định và nâng cao vị thế “cửa ngõ” kinh tế phía Nam của tỉnh.
Huyện Thuận Nam được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/10/2009 theo Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 10/6/2009 của Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính, tách ra từ huyện Ninh Phước. Bắt tay vào xây dựng một đơn vị hành chính độc lập với nhiều khó khăn, xuất phát điểm về KT-XH còn thấp, nông nghiệp chịu nhiều tác động của thời tiết khô hạn; các ngành công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển; năng suất và hiệu quả kinh tế thấp; đời sống nhân dân, nhất là vùng dân tộc miền núi còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao; tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ cấp huyện mới hình thành chưa đồng bộ, thiếu biên chế, đa số là cán bộ trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm.
Trụ sở làm việc của Huyện ủy và UBND huyện Thuận Nam. Ảnh: Văn Nỷ
Trải qua 15 năm trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của trung ương, của tỉnh, nhất là trong những năm gần đây sau khi Quốc hội có nghị quyết về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ có Nghị quyết số 115/NQ-CP về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển KT-XH, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và Tỉnh ủy có Nghị quyết số 15-NQ/TU về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đã tạo bước đột phá, biến khó khăn, thách thức thành động lực để phát triển; chuyển hướng trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực lợi thế như năng lượng tái tạo, cảng biển, du lịch.
Trung tâm huyện Thuận Nam. Ảnh: Văn Nỷ
Với tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, đột phá, các cấp ủy và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã nỗ lực, đoàn kết cùng sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, kinh tế của huyện nhờ đó có sự thay đổi mạnh mẽ và phát triển vượt bậc với tổng đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2010-2024 ước đạt 62.117 tỷ đồng, tăng 15,2 lần so năm 2010 (395 tỷ đồng). Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng khá, từ 8,26 tỷ năm 2009 lên 85,3 tỷ đồng vào năm 2023. Tổng giá trị sản xuất đạt 11.860 tỷ đồng, tăng 4 lần so với năm 2010, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức cao (tốc độ tăng trưởng bình quân/năm cả giai đoạn đạt trên 10,4%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và đúng hướng, từ một huyện thuần nông, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay chuyển dịch mạnh sang công nghiệp, trong đó dịch chuyển mạnh mẽ, bứt phá và đóng vai trò chủ đạo là công nghiệp - xây dựng với giá trị sản xuất đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 10,1 lần so năm 2010, tăng trưởng bình quân 18%/năm, chiếm 46,37% tổng giá trị sản xuất của huyện.
Chủ trương phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được triển khai đạt những kết quả bước đầu tích cực. Việc triển khai các dự án trọng điểm đầu tư trên địa bàn huyện, nhất là các dự án hạ tầng giao thông kết nối từ Quốc lộ 1 với cao tốc Bắc - Nam, đường Văn Lâm - Sơn Hải, dự án cảng tổng hợp Cà Ná (hoàn thành đưa vào giai đoạn I tiếp nhận tàu đến 100.000 tấn), dự án Khu đô thị mới Đầm Cà Ná, các dự án khu, cụm công nghiệp... tạo bước đột phá cho phát triển. Đến nay trên địa bàn huyện có 20 dự án, với tổng công suất 1.512MW (điện mặt trời 15 dự án, điện gió 5 dự án), chiếm gần một nửa số dự án và tổng công suất toàn tỉnh, đưa Thuận Nam trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của tỉnh.
Năng lượng điện gió hoạt động trên địa bàn huyện Thuận Nam. Ảnh: Văn Nỷ
Cùng với ngành công nghiệp, xây dựng, ngành thương mại - dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao, qua 15 năm, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,2%, tăng từ 278,1 tỷ đồng lên 1.580 tỷ đồng năm 2024, chiếm 13,32% cơ cấu kinh tế của huyện. Du lịch - dịch vụ đã có bước phát triển rõ nét, thu hút nhiều dự án du lịch quy mô lớn, đẳng cấp cao đầu tư trên địa bàn huyện, trong đó một số dự án lớn đang triển khai thi công như: Royal City, Cap Padaran Mũi Dinh...
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng có bước chyển dịch đúng hướng với chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới (NTM). Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp, có bước cải thiện rõ nét, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, đã hình thành một số mô hình nông nghiệp trang trại công nghệ cao tại các xã: Phước Dinh, Nhị Hà, Phước Ninh... Giá trị nông, lâm, thủy sản sau 15 năm tái lập huyện tăng trưởng ấn tượng 122%, bình quân mỗi năm tăng hơn 167 tỷ đồng, đã khẳng định vị thế quan trọng ngành nông, lâm, thủy sản huyện Thuận Nam trong tỷ trọng chung toàn tỉnh.
Ngư dân Cà Ná (Thuận Nam) khai thác hải sản đạt sản lượng cao. Ảnh: Văn Nỷ
Trong đó, thủy sản đóng góp 75% giá trị thủy sản chung toàn tỉnh với việc khai thác lợi thế cảng cá Cà Ná đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng, sản lượng đánh bắt hằng năm trên 78.000 tấn. Chương trình xây dựng NTM được đặc biệt quan tâm, đã huy động cả hệ thống chính trị, các tổ chức và người dân cùng tham gia xây dựng NTM và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, có 6/8 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, bình quân các xã đạt 18 tiêu chí.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội có chuyển biến tiến bộ trên nhiều mặt; đời sống nhân dân ngày càng cải thiện, nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,6-2%/năm, đến nay còn 5,6%. Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước được nâng lên, kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước được đẩy mạnh. Quốc phòng, an ninh luôn được củng cố, tăng cường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững làm nền tảng vững chắc cho phát triển KT-XH.
Tàu trọng tải lớn cập cảng tổng hợp Cà Ná (Thuận Nam). Ảnh: V.Nỷ
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thường xuyên được quan tâm lãnh đạo và đạt kết quả toàn diện, góp phần quan trọng cho phát triển của huyện. Trong 15 năm qua, Đảng bộ huyện đã không ngừng phát triển và lớn mạnh, vào đầu năm 2010 toàn huyện có 33 tổ chức cơ sở đảng, với 646 đảng viên, đến tháng 9/2024 toàn huyện có 40 tổ chức cơ sở đảng, với 1.396 đảng viên, số lượng đảng viên tăng 2,1 lần so với năm 2010. Số tổ chức sơ sở đảng đã phát triển đều khắp ở tất cả các xã, trường học, bệnh viện và trong các cơ quan doanh nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn toàn huyện. Bộ máy hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác dân vận, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, góp phần quan trọng đưa huyện nhà phát triển nhanh và bền vững.
Tiếp nối những thành tựu đã đạt được sau 15 năm tái lập, huyện xác định chặng đường phía trước đang mở ra nhiều thời cơ, thuận lợi mới, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Song với niềm tin, khát vọng vươn lên, cùng những thành tựu và kinh nghiệm tích lũy được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thuận Nam sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh nội lực và tiềm năng, cơ hội, nỗ lực hết sức mình để quyết tâm phấn đấu xây dựng huyện ngày càng phát triển. Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện sẽ tiếp tục nỗ lực khắc phục khó khăn, hạn chế, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III đã đề ra; phấn đấu xây dựng Thuận Nam trở thành huyện trọng điểm kinh tế phía Nam của tỉnh; là trung tâm công nghiệp, năng lượng và năng lượng tái tạo, cảng biển, trung tâm logistic; khai thác lợi thế nút giao với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông; là trung tâm du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phía Nam của tỉnh theo định hướng quy hoạch tỉnh và đề án phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được phê duyệt. Trong quá trình đó, huyện Thuận Nam cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của trung ương và của tỉnh, nhất là có cơ chế đặc thù hỗ trợ huyện trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH, đẩy nhanh tiến độ các dự án động lực về giao thông, cảng biển nước sâu; cảng cạn, trung tâm dịch vụ logistics, dự án trung tâm điện khí LNG Cà Ná; Khu công nghiệp Cà Ná; các dự án phát triển đô thị, du lịch, năng lượng tái tạo... giúp huyện Thuận Nam sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành huyện trọng điểm kinh tế phía Nam của tỉnh.
Châu Thanh Hải, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thuận Nam
-------------------------------------------------------
Ý KIẾN TÂM HUYẾT
* Đồng chí Kiều Văn Bê, nguyên UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Huyện ủy Thuận Nam:
Là thế hệ lãnh đạo đầu tiên của huyện Thuận Nam sau chia tách, tôi nhớ như in những khó khăn ngày đầu thành lập. Bộ máy chính quyền lúc ấy chỉ có 49 người. Nhà làm việc chỉ có 2 nhà kho tạm bợ, nắng thì nóng, mưa thì dột. Trong khi đó, ở địa phương, hạ tầng cơ sở chưa được đầu tư. Giao thông đi lại còn khó khăn. Hệ thống kênh mương dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa liên thông. Cơ sở vật chất trường lớp phục vụ dạy và học thiếu thốn. Lúc ấy, kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ lực nhưng ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Hoạt động đánh bắt thủy hải sản trên biển vẫn còn thiếu máy móc, thiết bị nên hiệu quả chưa cao.
Thế nhưng, vượt qua tất cả, Đảng bộ và nhân dân huyện Thuận Nam đã phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, năng động trong suy nghĩ và cách làm, khơi dậy nội lực và tận dụng tốt sự hỗ trợ từ bên ngoài để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Giờ đây, hệ thống đường giao thông được nâng cấp, mở rộng, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, tạo cơ hội phát triển kinh tế liên vùng. Trong bức tranh kinh tế chung, nông nghiệp đang thích nghi tốt với nền nông nghiệp hiện đại, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa, phát triển theo chuỗi liên kết, nông nghiệp tuần hoàn. Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng liên tục phát triển với tốc độ nhanh. Khu công nghiệp Cà Ná được quy hoạch, cảng biển tổng hợp Cà Ná đã đi vào hoạt động, Khu đô thị Đầm Cà Ná đang dần hình thành cho thấy sức sống mới của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận. Hàng chục công trình điện gió, điện mặt trời quy mô lớn triển khai, hoàn thành trong thời gian ngắn đã góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của huyện Thuận Nam những năm qua... Đây là điều hết sức vui mừng.
Qua đây, tôi tin tưởng rằng, với sức trẻ, tinh thần cống hiến, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của huyện sẽ không ngừng cố gắng tiếp tục đưa Thuận Nam phát triển nhanh, bền vững và trở thành một đô thị phát triển trong tương lai không xa.
* Đồng chí Tà Thía Banh, Trưởng Ban Dân tộc HĐND huyện Thuận Nam:
Là người trực tiếp tham gia công tác chính quyền cơ sở, tôi cảm nhận rõ sự thay đổi qua từng năm của quê hương Thuận Nam sau 15 năm tái lập. Đặc biệt, tại các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ, phát triển vùng đồng bào DTTS được cụ thể hóa một cách đúng đắn, phù hợp với thực tế địa phương nên phát huy tác dụng. Trong đó, các chủ trương đầu tư hạ tầng và hỗ trợ phát triển sinh kế nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm bảo tồn, giữ gìn và phát huy. Đời sống bà con được nâng lên; hộ đói được xóa, hộ nghèo giảm, hộ khá tăng lên. Con em đến tuổi đều được đến trường. Diện mạo nông thôn mới ngày càng khang trang, sạch đẹp. Phấn khởi cùng Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện nguyện đoàn kết một lòng, tự giác chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy ý chí tự lực tự cường, nỗ lực vượt khó vươn lên xây dựng đời sống mới.
* Đồng chí Huỳnh Thị Diệu, Bí thư Huyện đoàn Thuận Nam:
Bản thân tôi nói riêng, thế hệ trẻ huyện Thuận Nam nói chung vô cùng vinh dự và tự hào được sinh ra và lớn lên trên quê hương Thuận Nam với bề dày văn hóa đặc sắc, giàu truyền thống cách mạng. Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, trực tiếp của Ban Thường vụ Huyện ủy và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành cùng sự ủng hộ tích cực của các tầng lớp nhân dân huyện Thuận Nam trong 15 năm qua đã góp phần đưa công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả nổi bật, để lại dấu ấn sâu sắc về màu áo xanh tình nguyện trong lòng nhân dân và xã hội.
Để không phụ sự tin tưởng, kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà, thời gian tới, Huyện đoàn Thuận Nam tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả chương trình công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi; đẩy mạnh các hoạt động, chương trình tình nguyện trên các địa bàn khó khăn; tăng cường huy động các nguồn lực thanh niên và xã hội để ngày càng có thêm nhiều công trình, phần việc hướng về cộng đồng. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua, tạo điều kiện cho thanh niên rèn luyện, cống hiến và ngày càng trưởng thành, qua đó khẳng định vai trò xung kích, đi đầu của tuổi trẻ hăng hái thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, chăm lo an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng quê hương Thuận Nam ngày càng phát triển giàu đẹp.
* Đồng chí Nguyễn Văn Nhuệ, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Lạc Tiến, xã Phước Minh:
Từ một địa phương có xuất phát điểm thấp, Thuận Nam đã chuyển mình vươn lên mạnh mẽ. Theo tôi, thành tựu đạt được đó chính là sự kế thừa, tiếp nối và phát huy những thành quả mà bao thế hệ người dân Thuận Nam đã dày công xây đắp; là kết quả của sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm, đồng sức, đồng lòng của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị. Đó sẽ là động lực quan trọng để huyện Thuận Nam chinh phục những giá trị mới.
Xã Phước Minh của chúng tôi, nhiều năm qua cũng đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực nên đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Lĩnh vực kinh tế phát triển đồng đều ở cả nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, nhất là hoạt động giáo dục và đào tạo. Hệ thống trường học được đầu tư xây dựng khang trang. Toàn xã có 2 trường tiểu học và 2 trường mầm non đều được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh ra lớp hằng năm đạt 100%. Cùng với đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức, duy trì thường xuyên. Nhân dân phấn khởi, tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần xây dựng thành công xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
* Anh Nguyễn Minh Hiếu, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Hoàn Mỹ:
Cùng với cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân huyện Thuận Nam, các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn huyện nói chung, bản thân tôi nói riêng hết sức phấn khởi trước sự thay đổi vượt bậc của Thuận Nam trong thời gian qua. Với nhiều dự án trọng điểm quốc gia và của tỉnh được triển khai đã giúp huyện Thuận Nam bước đầu định hình một “thủ phủ” công nghiệp hứa hẹn hiện đại, sầm uất của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận. Chỉ trong thời gian rất ngắn, Thuận Nam khởi công đi vào hoạt động hàng chục dự án lớn, nhiều dự án đang được tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đầu tư, điều này cho thấy sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị huyện nhà trong hỗ trợ thực hiện dự án, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Không chỉ tổ chức gặp mặt DN định kỳ, lãnh đạo của địa phương đã có rất nhiều buổi thực địa, trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra tiến độ thực hiện dự án, tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN, cơ sở sản xuất. Các ý kiến đề xuất, khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư, chủ DN được lãnh đạo huyện giải đáp, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời nhất là đối với các vấn đề khó như giải phóng mặt bằng, tín dụng, thủ tục hành chính đã giúp DN chúng tôi yên tâm ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo niềm tin rất lớn cho cộng đồng DN.
Thời gian tới, tôi mong muốn huyện sẽ tiếp tục cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bằng các chính sách ưu đãi, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số... Bên cạnh khơi thông các nguồn lực, hỗ trợ thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư, DN, huyện Thuận Nam cũng cần quan tâm đến việc gắn kết cộng đồng DN, đồng hành vì sự phát triển của DN và của địa phương.
D.My - N.Diệp