* Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 16-KL/TU ngày 25/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận về huy động nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cấp thiết giai đoạn 2021-2025, để thay thế nguồn Điện hạt nhân, tỉnh tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, đạt kết quả tích cực. Đến tháng 6/2024, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư và đưa vào vận hành thương mại các nguồn điện (mặt trời, gió, thuỷ điện) với 57 dự án/3.749,942 MW, ngành năng lượng đóng góp quan trọng, tiếp tục khẳng định là động lực cho tăng trưởng kinh tế tỉnh, góp phần đưa Ninh Thuận là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước, thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp, đóng góp thu ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, đem lại nhiều ưu điểm trên các lĩnh vực cụ thể: Các dự án năng lượng tái tạo hoàn thành hòa lưới điện quốc gia, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính với tỷ lệ giảm phát thải 97,9% so với sử dụng điện truyền thống (điện than) góp phần thực hiện các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Trungnam Group đầu tư năng lượng điện mặt trời và điện gió tại xã Công Hải (Thuận Bắc). Ảnh: Văn Nỷ
Về đầu tư hạ tầng truyền tải điện, từ sau khi Kết luận 16-KL/TU ban hành, tỉnh đã đầu tư hoàn thành 5 đường dây 500kV, 220kVđưa vào vận hành; Đang triển khai các thủ tục đầu tư 4 công trình theo Quy hoạch và Kế hoạch triển khai quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg và Quyết định số 262/QĐ-TTg, góp phần khắc phục tình trạng giảm phát các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu truyền tải, giải tỏa công suất cho các dự án năng lượng tái tạo, thực hiện mục tiêu đưa Ninh Thuận trở thành một trong những Trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của cả nước.
* Đối với hạ tầng đô thị, việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cầu hạ tầng đô thị đồng bộ theo hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường; tận dụng lợi thế về địa kinh tế của tỉnh và phát huy thế mạnh của từng vùng để hình thành các khu đô thị tập trung, các trung tâm kinh tế có quy mô hợp lý gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Trong 3 năm qua, Tỉnh đã huy động 7.761 tỷ đồng, đạt 82,1% so với mục tiêu Kết luận, đến tháng 6/2024 toàn tỉnh có 4 đô thị, trong đó: 1 đô thị loại II (Tp. Phan Rang –Tháp Chàm) và 3 đô thị loại V (thị trấn Phước Dân, Khánh Hải, Tân Sơn, trong đó Tân Sơn cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV). Trong hơn 3 năm qua, Tỉnh đã tập trung chỉ đạo hoàn thành các quy hoạch chung xây dựng các đô thị để kêu gọi, thu hút đầu tư. Việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cầu hạ tầng đô thị đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững; hình thành hệ thống đô thị trung tâm nhiều cấp, phát huy thế mạnh của từng vùng để hình thành các khu đô thị tập trung, các trung tâm kinh tế có quy mô hợp lý gắn quá trình đô thị hóa nông thôn theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ.
Cơ sở hạ tầng Khu đô thi Đông Bắc (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) được đầu tư khang trang, hiện đại. Ảnh: Văn Nỷ
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là tại các khu đô thị mới đang từng bước được đầu tư, mở rộng và hoàn thiện theo hướng hiện đại hoá, đồng bộ hóa với các hình thức đầu tư đa dạng. Nhiều công trình tuyến chính ra vào thành phố, các trục giao thông hướng tâm được đầu tư; đến năm 2024 toàn tỉnh có 290 tuyến đô thị với tổng chiều dài 339,3 km. Diện mạo đô thị có nhiều thay đổi với kết cấu hạ tầng được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh. Đã thu hút phát triển các khu đô thị mới như: Khu đô thị mới K1, K2, Khu đô thị mới bờ Sông Dinh; Khu đô thị mới Phủ Hà; Khu đô thị Mỹ Phước; Khu đô thị mới đầm Cà Ná. Bên cạnh đó còn có 03 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đang triển khai các bước thủ tục lựa chọn Nhà đầu tư, 8 dự án đang lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư; 01 dự án đang được tổ chức đấu giá; 30 dự án đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để làm cơ sở đề xuất đầu tư và chấp thuận chủ trương đầu tư làm cơ sở thực hiện lựa chọn Nhà đầu tư. Đi đôi với phát triển đô thị thì phát triển nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, việc triển khai thực hiện các dự án phát triển nhà ở xã hội bước đầu đạt kết quả góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội.
Xuân Bính