* Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 16-KL/TU ngày 25/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận về huy động nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cấp thiết giai đoạn 2021-2025, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và hỗ trợ của các Bộ ngành Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, kịp thời nắm bắt thời cơ, tranh thủ được sự hỗ trợ của Trung ương, tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu; đồng thời ban hành nhiều chương trình hành động, kế hoạch triển khai thu hút, huy động nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, tập trung vào các khâu trọng điểm, đột phá của tỉnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-6/2024 đạt 80.068 tỷ đồng, đạt 80% so với kế hoạch đề ra.
Tp.Phan Rang-Tháp Chàm đầu tư kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Văn Nỷ
Huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu về kinh tế-xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên thông đa mục tiêu, có tính kết nối cao, phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển, nhất là các ngành, lĩnh vực, vùng động lực, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, cảng biển, thủy lợi, đô thị, khu cụm công nghiệp, truyền tải điện, thông tin số, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 là tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước, đến năm 2030 trở thành Tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước.
* Sau 3 năm triển khai thực hiện Kết luận số 14- KL/TU, ngày 31/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận (khóa XIV) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 16/11/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) về nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc miền núi, giai đoạn 2016-2020. Trong 3 năm (2022-2024), tỉnh đã phân bổ 981,46 tỷ đồng nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi; thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, tổ chức khảo sát vị trí, địa điểm phục vụ công tác quy hoạch, lập, thẩm định, phê duyệt 5 dự án đầu tư bố trí ổn định dân cư; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; bố trí dân cư xen ghép… qua đó, đã hỗ trợ 203 hộ thiếu đất ở; 776 hộ thiếu nhà ở (hiện nay đã hỗ trợ được 304 căn); do hầu hết các huyện không còn quỹ đất để khai hoang, phục hóa cấp cho hộ dân nên hỗ trợ chuyển đổi nghề theo nguyện vọng cho 613 hộ, đầu tư 6 công trình nước sinh hoạt tập trung cho 132 hộ DTTS nghèo, hộ nghèo sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi. Các chính sách hỗ trợ học nghề, Quỹ quốc gia về việc làm, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng đã tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, người lao động là đồng bào dân tộc miền núi có điều kiện tham gia, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Tính đến ngày 30/6/2024, thu nhập bình quân của người đồng bào DTTS đạt 32,4 triệu đồng/người, tăng 3,19 triệu đồng so với năm 2020, đạt 55,5% so với mục tiêu đến 2025; tỷ lệ hộ nghèo DTTS là 13,04%, giảm 4,69% so với năm 2022.
Xuân Bính