Tin tổng hợp

* Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 16-KL/TU ngày 25/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận về huy động nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cấp thiết giai đoạn 2021-2025, hạ tầng thủy lợi được tỉnh chủ trương ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi trọng điểm theo hướng liên thông, đa mục tiêu nâng cao năng lực tưới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác, cung cấp nước sinh hoạt cho người, nước uống cho gia súc các vùng khô hạn và cắt lũ trong mùa mưa.

Cơ sở hạ tầng Hồ điều hòa được đầu tư trên địa bàn Tp.Phan Rang-Tháp Chàm. Ảnh: Văn Nỷ

Tập trung huy động vốn cho lĩnh vực thủy lợi để phù hợp chủ trương về nguồn vốn của Chính phủ, theo đó trong giai đoạn 2021-6/2024, đã huy động 2.096 tỷ đồng, đạt 54,3% so với mục tiêu Kết luận. Tập trung đầu tư Hồ chứa nước Sông Than, Hồ Kiền Kiền, nâng tổng hồ chứa trên địa bàn tỉnh 22 hồ chứa với tổng dung tích 414,29 triệu m3, trong đó nổi bật là dự án Hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư có dung tích 219 triệu m3, đảm bảo nguồn nước tưới trực tiếp cho 7.480 ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó vùng miền núi hơn 1.600 ha. Hoàn thiện kênh chính Tân Mỹ dài hơn 20km thông nước vào cuối tháng 4/2022 góp phần giải quyết khó khăn về hạn hán, bảo đảm an ninh nguồn nước, phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Ninh Thuận, đang tiếp tục triển khai đường ống chuyển nước đến Hồ Bà Râu, Sông Trâu và Nam Khánh Hòa. Huy động nguồn vốn AFD tiếp tục đầu tư đường ống kết nối, chuyển nước từ Hồ chứa Sông Than tới hồ chứa Lanh Ra, tiếp nước bổ sung cho hồ Lanh Ra và Tà Ranh, hồ Bầu Zôn đáp ứng yêu cầu cho phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam của tỉnh. Đầu tư đồng bộ kênh mương cấp II, III góp phần phát huy tốt hơn hiệu quả các hồ đập sau đầu tư; nâng tổng số diện tích được chủ động tưới toàn tỉnh đến thành 6/2024 đạt tỷ lệ 62,4%; đầu tư hoàn thành trên 70,633 km đê, kè chống sạt lở ở vùng xung yếu, ven biển, ven sông giảm thiểu đáng kể tình trạng xâm nhập mặn, giữ ngọt do ảnh hưởng của thủy triều, góp phần công tác chống hạn. Việc huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng thủy lợi giai đoạn 2021-2024 đáp ứng các mục tiêu; tăng nhanh năng lực tưới góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cải tạo môi trường tự nhiên và xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm nhẹ thiên tai; giúp Nhân dân trong vùng dự án có điều kiện khai thác hết diện tích đất có khả năng sản xuất nông nghiệp từ 2-3 vụ/năm, đảm bảo dung tích trữ nước đáp ứng nhu cầu kinh tế - xã hội.

* Trên lĩnh vực hạ tầng du lịch, đã hình thành và phát triển một số cơ sở du lịch chất lượng cao như Khu du lịch Sài Gòn-Ninh Chữ; Khu du lịch sinh thái Nam Núi Chúa, dự án Khu du lịch Hoàn Mỹ; dự án Khu du lịch Long Thuận, TTC Resort Premium – Ninh Thuận...và đang triển khai thi công 20 dự án du lịch với tổng vốn đầu tư trên 41.000 tỷ đồng, trong đó một số dự án quy mô lớn đang tập trung thi công xây dựng như: Dự án Tổ hợp nghỉ dưỡng - giải trí thể thao biển của Công ty Mũi Dinh Ecopark; Khu đô thị sinh thái Núi Chúa, Dự án Khu du lịch Bình Tiên, dự án Sunbay ParkHotel&Resort, Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Royal Ninh Thuận... Hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch ngày càng được hoàn thiện, số lượng cơ sở phục vụ du lịch ngày càng tăng, chất lượng dịch vụ được nâng lên, các loại hình dịch vụ- vui chơi giải trí được quan tâm, đầu tư phát triển phong phú. Toàn tỉnh có 212 cơ sở lưu trú kinh doanh phục vụ khách du lịch với 4.686 phòng.

Các cơ sở lưu trú được đầu tư tại khu du lịch biển Bình Sơn-Ninh Chữ (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Văn Nỷ

Hoàn thành cơ bản về hạ tầng giao thông, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh; khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của biển và ven biển địa phương. Đồng thời theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng hình thành 6 đô thị ven biển, gồm: Vĩnh Hy, Thanh Hải, Khánh Hải, Phan Rang - Tháp Chàm, Sơn Hải và Cà Ná, để hình thành đô thị du lịch về phía Bắc và phía Nam của tỉnh phù hợp với định hướng Quy hoạch Khu Du lịch quốc gia Ninh Chữ. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phân khu Khu du lịch bãi biển Bình Sơn -Ninh Chữ đẩy mạnh, khai thác tiềm năng phát triển du lịch tại khu vực, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội địa phương. Đi đôi với phát triển cơ sở hạ tầng, sản phẩm phục vụ khách du lịch, chất lượng các dịch vụ và môi trường du lịch trên địa bàn tỉnh cũng được nâng cao, số lượng và chất lượng lao động ngành du lịch tăng, công tác xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh có sự đổi mới về nội dung và hình thức, chú trọng thu hút và phát triển các sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao, góp phần tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.