Trong giai đoạn 2021-2024, huyện Thuận Nam có 1.754 hộ nghèo, chiếm 10,22%; cận nghèo 1.369 hộ, chiếm 7,97% tổng số hộ dân. Để thực hiện công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, huyện đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tập trung chỉ đạo các phòng, ban và các xã đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền; xây dựng kế hoạch đối thoại về công tác giảm nghèo ở các địa phương, trên cơ sở đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo sát với tình hình thực tế của địa phương; phát động phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” tạo thành phong trào sâu rộng trong nhân dân.
Trong giai đoạn 2021-2024, ngoài nguồn vốn dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện Thuận Nam còn chú trọng triển khai xây dựng các dự án, mô hình phát triển kinh tế, hỗ trợ sinh kế, vốn vay cho người nghèo. Huyện đã triển khai thực hiện 28 dự án, mô hình sinh kế về chăn nuôi bò, dê, cừu, heo đen, rong sụn... với kinh phí trên 12 tỷ đồng hỗ trợ cho 438 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các xã: Phước Hà, Phước Nam, Phước Ninh, Phước Minh, Nhị Hà, Phước Dinh. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai kịp thời chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi giúp cho 4.532 lượt hộ tiếp cận, với tổng nguồn vốn hơn 222 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Với sự hỗ trợ kịp thời từ các dự án, mô hình, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã tạo động lực thúc đẩy nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện vươn lên thoát nghèo bền vững. Ông Kiều Ngọc Tuân, ở thôn Văn Lâm 4, xã Phước Nam chia sẻ: Năm 2023, từ nguồn vốn dự án đa dạng sinh kế, gia đình được hỗ trợ 20 triệu đồng để đầu tư chuồng trại và mua một con bò cái về nuôi sinh sản; ngoài ra còn được các ngành chức năng hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, trồng cỏ chăn nuôi. Nhờ đó, bò sinh trưởng, phát triển tốt, sau một năm bò đã sinh sản được một con bê. Nhờ có chương trình đã giúp gia đình có thêm điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.
Dự án đa dạng sinh kế giúp gia đình ông Kiều Ngọc Tuân, thôn Văn Lâm 4, xã Phước Nam phát triển kinh tế.
Song song với hỗ trợ các dự án, mô hình phát triển kinh tế, huyện Thuận Nam luôn quan tâm đến công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; chủ động phối hợp với các doanh nghiệp liên kết đào tạo, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trong giai đoạn 2021-2024, từ nguồn vốn của các tiểu dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ việc làm bền vững, toàn huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho 1.720 lao động nông thôn tham gia các lớp học nghề; giới thiệu việc làm cho 9.764 lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; đưa 61 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
Ngoài ra, công tác chăm lo nhà ở, sức khỏe cho người nghèo cũng được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện tốt. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã hỗ trợ xây mới 80 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí trên 5,4 tỷ đồng; phối hợp xây dựng 21 căn nhà cho hộ gia đình khó khăn với số tiền trên 1 tỷ đồng; cấp trên 75.193 thẻ bảo hiểm cho người nghèo, cận nghèo, người sống trong vùng kinh tế khó khăn bãi ngang, ven biển, bà con đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện hỗ trợ tiền điện cho 5.086 lượt hộ nghèo với số tiền trên 2,2 tỷ đồng...
Với sự nỗ lực vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cùng với sự đồng thuận của nhân dân, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 10,22% (năm 2021), đến cuối năm 2023 giảm xuống còn 5,6%. Trong giai đoạn 2021-2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm được 6,62%, bình quân mỗi năm giảm được 2,21%, vượt kế hoạch đề ra. Phấn đấu đến cuối năm, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2021-2025 còn dưới 2%.
Đồng chí Nguyễn Thị Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường tuyên truyền các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến các cấp, ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân nhằm thay đổi nhận thức về công tác giảm nghèo. Theo đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua vì người nghèo thiết thực, hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, đồng thuận của toàn xã hội; huy động các nguồn lực hỗ trợ các địa phương, cộng đồng và các hộ nghèo thoát nghèo bền vững; tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng phát triển các mô hình sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và các chính sách dân tộc; hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn giảm nghèo; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động... Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.
Kha Hân