Tuyến đường vành đai kết nối Quốc lộ 1 (QL1) ra đường ven biển Ninh Hải dài hơn 10km đang thi công nhộn nhịp, xe chở vật liệu tấp nập ra vào. Đường ven biển đoạn qua Đầm Nại (xã Nhơn Hải), nhà thầu đã thi công thảm nhựa được 2km. Đoạn qua các xã Tri Hải, Phương Hải (Ninh Hải), mặc dù gặp khó khăn do nhiều vị trí còn vướng hạ tầng đường điện chưa di dời, nhưng đơn vị thi công vẫn tranh thủ lu đầm, làm hệ thống cống rãnh thoát nước tại những đoạn tuyến vừa có mặt bằng được bàn giao.
Tuyến đường Vành đai phía Bắc đang trong giai đoạn thi công. Ảnh: Anh Tuấn
Kỹ sư Hà Huy Hoành, Chỉ huy trưởng thi công gói thầu 23 (thuộc Công ty Liên Minh) cho biết, hiện nhà thầu đang thi công nền đường, lu lèn lớp đất đá K95 mở rộng lòng đường hiện hữu. Nhận được mặt bằng đến đâu, đơn vị thi công nhanh chóng điều động thiết bị, máy móc, tập kết vật liệu triển khai ngay đến đó để đẩy nhanh tiến độ dự án. Khi di dời xong đường điện, đường nước tại nút giao QL1- Kiền Kiền, nhà thầu đã thi công đồng loạt trên toàn tuyến, phấn đấu hoàn thiện gói thầu vào cuối tháng 12/2024. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (chủ đầu tư), đường vành đai phía Bắc nối từ QL1 (đoạn gần di tích Ba Tháp, huyện Thuận Bắc) kết nối hai huyện Ninh Hải và Thuận Bắc, chiều dài khoảng 10,2km, tổng vốn hơn 487 tỷ đồng. Đến nay, ban đang phối hợp với chính quyền địa phương và ngành điện lực, tập trung di dời đường điện, hạ tầng kỹ thuật trên phạm vi cuối tuyến ở huyện Ninh Hải. Trên phạm vi mặt bằng đã được bàn giao, nhà thầu đang gấp rút để hoàn thiện phần móng, nền đường trước mùa mưa. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2024 sẽ thảm nhựa thông tuyến chính.
Có mặt trên công trình dự án đường Văn Lâm - Sơn Hải (Thuận Nam) chúng tôi ghi nhận không khí lao động khẩn trương cũng như niềm vui của người dân khi tuyến đường mới sắp sửa được thông tuyến đưa vào sử dụng. Dự án đường Văn Lâm - Sơn Hải được UBND tỉnh phê duyệt triển khai từ năm 2021. Dự án có điểm đầu kết nối với QL1 (tại Km 1570+270), điểm cuối nối với đường ven biển đoạn Phú Thọ - Mũi Dinh (tại ngã tư Sơn Hải, xã Phước Dinh) có tổng chiều dài toàn tuyến là 13,077km đi qua hai xã Phước Nam và Phước Dinh (Thuận Nam); tổng mức đầu tư hơn 372 tỷ đồng.
Trong tổng chiều dài hơn 13km của dự án đường Văn Lâm- Sơn Hải, đoạn cuối tuyến (nối đường ven biển) dài 6,67km đã hoàn thành thảm bê tông nhựa, sơn đường, biển báo được đưa vào sử dụng; đoạn đầu tuyến (nối với QL1) đã hoàn thành 95% giá trị hợp đồng. Tại vị trí đầu dự án qua thôn Văn Lâm do còn vướng mặt bằng khoảng 200m phải tháo dỡ, di dời một số nhà ở của người dân nên dự án chưa thể hoàn thành thông tuyến. Đây cũng là đoạn vừa mới được bàn giao mặt bằng thi công từ tháng 6/2024.
Tuyến đường Văn Lâm - Sơn Hải kết nối với đường ven biển. Ảnh: V.Nỷ
Theo UBND huyện Thuận Nam, triển khai công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án tuyến đường Văn Lâm - Sơn Hải, riêng xã Phước Nam có 141 hộ có đất thuộc diện phải thu hồi, trong đó, có 25 hộ phải tháo dỡ công trình kiến trúc, nhà cửa. Theo Luật Đất đai 2013, những hộ xây dựng nhà trên đất nông nghiệp không được đền bù mà chỉ được hỗ trợ một phần. Xác định đây là việc khó, vì vậy chính quyền địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng thời phát huy vai trò của các chức sắc, người có uy tín trong đồng bào Chăm để tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân bàn giao mặt bằng. Sau khi chính quyền, đoàn thể và chức sắc, người có uy tín trong đồng bào Chăm ở địa phương gặp gỡ, vận động, phân tích, người dân đã đồng thuận, nhận tiền hỗ trợ, tự tháo dỡ công trình. Đến nay, toàn bộ số hộ dân thuộc dự án tuyến đường đi qua đã đồng thuận, tự tháo dỡ nhà, cửa và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Ông Phạm Minh Tân, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh cho biết, sau khi có mặt bằng mới, Ban Quản lý đã chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung máy móc, thiết bị thi công, khẩn trương thi công đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu sẽ thông tuyến vào cuối tháng 8 và tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng trong quý III/2024.
Dự án đường Văn Lâm - Sơn Hải sau khi đưa vào khai thác sẽ là động lực thúc đẩy việc vận chuyển hàng hóa; hình thành mạng lưới giao thông kết nối liên hoàn, đảm bảo rút ngắn cự ly vận chuyển hàng hóa, các vùng nguyên liệu đến các khu công nghiệp trong tỉnh. Các dự án giao thông, không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân mà còn tạo động lực phát triển, thu hút đầu tư vào tỉnh trong những năm tới.
Anh Tuấn