Với động lực và đà tăng trưởng như hiện nay, rau quả Việt Nam có thể vươn tới kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 7 tỷ USD trong năm nay.
Điều này hoàn toàn có căn cứ khi 7 tháng xuất khẩu rau quả đã đạt 3,83 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ. Đáng chú ý trong Top 10 thị trưởng xuất khẩu rau quả Việt Nam (trừ Hà Lan), mặt hàng này đều có sự tăng trưởng với hai con số. Đặc biệt khi mới đây, Hàn Quốc đã đồng ý nhập khẩu trái bưởi tươi của Việt Nam và sầu riêng Tây Nguyên đang bước vào vụ khi Thái Lan đã hết mùa.
Sầu riêng tươi để xuất khẩu. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: Giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Hàn Quốc, Nhật Bản ngày càng có xu hướng tăng. Bên cạnh xây dựng thương hiệu, vị thế tại thị trường truyền thống Trung Quốc, ngành hàng rau quả ngày càng được mở rộng ở khu vực Đông Bắc Á.
Ở khu vực Đông Bắc Á, Trung Quốc và Hàn Quốc là hai quốc gia có kim ngạch xuất khẩu rau quả cao nhất của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường dẫn đầu, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 22% so với cùng kỳ. Tiếp theo, Hàn Quốc cũng tăng 55% so với cùng kỳ.
Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng trong tương lai, Đông Bắc Á là thị trường chiến lược của rau quả Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu không những hưởng lợi từ thuế quan mà còn giảm chi phí vận chuyển, logistics so với các thị trường như: EU, Mỹ…
Theo Cục Bảo vệ thực vật, trong khối Hiệp định RCEP, lượng sản phẩm trái cây Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc lớn nhất với 12 sản phẩm và thêm vào đó là chanh leo, ớt được xuất khẩu tạm thời còn trái dừa được xuất khẩu thí điểm. Tiếp đến là New Zealand có 5 sản phẩm là xoài, thanh long, chôm chôm, chanh, bưởi. Còn với thị trường Nhật Bản, Việt Nam đã xuất khẩu thanh long, xoài, nhãn vải và đang đàm phán để xuất khẩu trái bưởi.
Cục Bảo vệ thực vật đang mở cửa thị trường cho quả có múi, cây dược liệu và sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. Ngoài ra, chanh leo, nhãn, vải cũng đang đàm phán để xuất khẩu sang Australia; chanh leo, bưởi sang New Zealand.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, khi có hiệp định thương mại tư do, giảm thuế nhập khẩu nên các nước sẽ đưa ra các hàng rào kỹ thuật. Điều này đòi hỏi người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam liên tục cập nhật quy định nhập khẩu của các thị trường để kịp thời đáp ứng.
Ông Nguyễn Đình Mười, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vina T&T chia sẻ, hiện các nước nhập khẩu trái cây đều đưa ra những rào cản kỹ thuật khác nhau, buộc doanh nghiệp, người sản xuất phải tuân thủ tuyệt đối. Bởi vậy, nông dân sản xuất trái cây xuất khẩu cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật.
Trên đà thắng lợi, doanh nghiệp hiện đang thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu. Theo đó, đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu rau quả là sầu riêng. Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng đạt 1,32 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Hiện mùa vụ sầu riêng Tây Nguyên đang vào vụ thu hoạch và là cơ hội để sầu riêng bứt phá, khẳng định vị thế, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Ông Đặng Phúc Nguyên nhận định xuất khẩu sầu riêng có thể đạt khoảng 3 tỷ USD.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho rằng, sầu riêng vẫn là trái cây phát triển tốt trong nhiều năm tiếp theo. Ngoài Trung Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu đang mở rộng thị trường sang nhiều nước trên thế giới có tiềm năng như: Ấn Độ, các nước khu vực châu Á… Song để ngành sầu riêng phát triển, xuất khẩu thuận lợi thì Việt Nam cần ban hành quy chuẩn về chế biến, bảo quản sau thu hoạch để cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu có cơ sở thực hiện.
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng mới đạt khoảng 25.000 ha so với tổng diện tích trồng sầu riêng cả nước khoảng 150.000 ha. Việt Nam tiếp tục đề nghị phía Trung Quốc mở rộng thêm mã số vùng trồng. Nhưng ngành sẽ không chỉ tập trung mở rộng vùng trồng và tăng diện tích mà đã đến lúc phải tập trung vào kiểm soát, quản lý chất lượng.
Kỳ vọng là trong năm 2024 sản phẩm sầu riêng đông lạnh có thể được ký nghị định thư. Mặt hàng sầu riêng đông lạnh sẽ giúp đa dạng hóa sản phẩm cho ngành sầu riêng; có thêm công nghệ, biện pháp để bảo quản sầu riêng lâu hơn và từ đó giảm sức ép mùa vụ. Các nhà vườn sẽ tập trung hơn vào các sản phẩm quả tươi chất lượng cao để xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: Quá trình tổ chức sản xuất từ vùng nguyên liệu, vùng trồng cho đến mã số, cơ sở đóng… Cục Bảo vệ thực vật đang quản lý rất sát và trong bối cảnh hội nhập sâu, đòi hỏi toàn chuỗi sản xuất phải cập nhật, đáp ứng được, thậm chí cả trên nhu cầu của thị trường. Đây là yêu cầu tất yếu để xây dựng thương hiệu nông sản Việt.
“Sự nhạy bén, tuân thủ nghiêm quy định quốc tế là giải pháp căn cơ cho mọi ngành hàng phát triển bền vững; trong đó có rau quả. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành, địa phương siết chặt quản lý về chất lượng, vùng trồng. Nguồn cung lớn, ổn định thì bài toán chất lượng cần giải quyết hiệu quả để xuất khẩu rau quả tăng trưởng cao hơn” , Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Theo baotintuc.vn