Trong 6 tháng đầu năm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn quyết liệt triển khai nhiều chương trình tín dụng đầu tư cho phát triển SXKD, đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngay từ đầu năm, NHNN Ninh Thuận đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn chủ động đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên khuyến khích phát triển theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục triển khai và thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân phục hồi SXKD, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cũng như, rà soát và đơn giản hóa các quy trình, thủ tục cho vay, đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong quy trình vay vốn nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ để DN tiếp cận vốn. Các ngân hàng duy trì ổn định lãi suất cho vay, trong đó, lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,5-9,7%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên tối đa 4%/năm theo quy định của NHNN.
Khách hàng giao dịch tại VietinBank Ninh Thuận.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của NHNN Việt Nam. Theo đó, tính đến thời điểm 30/6/2024, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 40 lượt khách hàng với tổng giá trị nợ 765 tỷ đồng, trong đó khách hàng là DN 541 tỷ đồng/24 lượt khách hàng; khách hàng cá nhân 223 tỷ đồng/16 lượt khách hàng.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 44.915 tỷ đồng, tăng 5,80% so với cuối năm 2023. Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu cho hoạt động SXKD với dư nợ hơn 38.000 tỷ đồng, chiếm 84,70% trong tổng dư nợ, tăng 6,76% so với cuối năm 2023; trong đó, dư nợ đối với ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 9.821 tỷ đồng, tăng 1,75%; dư nợ đối với ngành công nghiệp - xây dựng đạt 7.317 tỷ đồng, tăng 0,34%; dư nợ đối với ngành thương mại - dịch vụ 20.902 tỷ đồng, tăng 11,85% so với cuối năm 2023.
Theo NHNN chi nhánh tỉnh Ninh Thuận cùng với những thuận lợi hoạt động tín dụng từ đầu năm đến nay cũng còn gặp nhiều khó khăn, nên chỉ đạt tăng trưởng 0,2% so với cuối năm 2023.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, để đạt tăng trưởng tín dụng năm 2024, thời gian tới, NHNN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng nhanh đi đôi với chất lượng tín dụng và an toàn vốn vay, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động các ngân hàng, đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, cảnh báo sớm nhằm ngăn ngừa, hạn chế rủi ro trong hoạt động của TCTD. Thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng trên địa bàn, tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh. Đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - DN nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Hồng Nguyệt