* Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 11/01/2022 về Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư. Tỉnh tập trung đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng, có tính đột phá, ưu tiên các tuyến kết nối cao tốc Bắc Nam, các tuyến quốc lộ đến Khu công nghiệp, hệ thống cảng biển và các trục nối vùng kinh tế trọng điểm, trong đó: Triển khai thi công Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 có khả năng tiếp nhận tàu đến 100.000 tấn, đang đẩy nhanh triển khai bến 1B và kêu gọi đầu tư giai đoạn 2. Kêu gọi đầu tư đường sắt nối từ Cảng Cà Ná đến đường sắt thống nhất. Hoàn thành đường cao tốc Bắc Nam (đoạn qua tỉnh) dài 63km đúng tiến độ đưa vào hoạt động tháng 4/2024. Tập trung đầu tư đường nối từ cao tốc Bắc-Nam với Quốc lộ 1A và cảng biển tổng hợp Cà Ná dài 14,5km; chuẩn bị đầu tư tuyến đường động lực kết nối cảng tổng hợp Cà Ná lên khu vực Nam Tây Nguyên được coi là động lực đột phá phát triển hành lang các trục Đông-Tây, là điểm trung chuyển hàng hóa cho cả khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, góp phần giải tỏa áp lực các cảng biển miền Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh. Bổ sung Cảng cạn Cà Ná vào Danh mục quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 22/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ). Đưa Cảng hàng không Thành Sơn vào danh mục Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định 648/QĐ-TTg ngày 07/6/2023).
* Lĩnh vực công nghiệp-xây dựng đã có đột phá thúc đẩy kinh tế tỉnh tăng trưởng. Đã thành lập KCN Phước Nam (370ha), đạt tỷ lệ lấp đầy 21%, có 13 dự án đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đầu tư đăng ký 329,6 tỷ đồng; KCN Cà Ná (827,2ha) đang hoàn tất thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Đã và đang hình thành 10 cụm công nhiệp với diện tích đến năm 2025 là 461,1 ha. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng là nơi tập trung nhiều dự án năng lượng tái tạo nhất của tỉnh với 33 dự án hoàn thành đầu tư đưa vào vận hành với tổng công suất 1.935MW trong đó huyện Thuận Nam có 15 dự án điện mặt trời, tổng công suất 1.259MW; 4 dự án điện gió và 1 phần dự án điện gió Win Enegry Chính Thắng (trên địa bàn 2 huyện Thuận Nam, Ninh Phước) với tổng công suất 221,4MW. Huyện Ninh Phước có 10 dự án điện mặt trời, tổng công suất 348 MW; 2 dự án điện gió và 1 phần dự án điện gió Win Enegry Chính Thắng (trên địa bàn 2 huyện Thuận Nam, Ninh Phước), tổng công suất 107,4MW. Tổng công suất vận hành thương mại chiếm trên 40% tổng số công suất vận hành của toàn tỉnh; nhiều dự án hạ tầng truyền tải đưa vào vận hành giúp giải tỏa công suất cho các dự án. Quy hoạch điện VIII được duyệt bổ sung cho tỉnh 4.488MW đến năm 2030, trong đó trên địa bàn vùng trọng điểm phía Nam 1.731 MW (gồm LNG 1.500MW và 231MW điện gió, điện mặt trời tự sản, tự tiêu 380MW (phía Đông Quán Thẻ); xúc tiến đầu tư phát triển các nguồn năng lượng mới (Hydrogen); dự án Tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối…
Xuân Bính