Du lịch thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP

Phát triển du lịch (DL) gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP là hướng đi cần thiết, vừa góp phần định vị điểm đến, thêm trải nghiệm cho du khách, vừa quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ, gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP, góp phần phát triển kinh tế, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Là một trong những điểm DL của tỉnh, tháp Pô Klong Garai (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) thường xuyên đón tiếp du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan dịp cuối tuần và ngày lễ, tết. Đến đây, ngoài việc tham quan danh lam thắng cảnh, du khách còn có thể tham quan mua sắm tại gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP trong khuôn viên tháp. Với đầy đủ các sản phẩm đặc trưng như: Hành, tỏi, mứt nho, táo sấy khô, nước mắm, chuối hột mồ côi, rượu nho, siro nho... Chị Lê Thị Hưng, du khách đến từ Lâm Đồng, cho biết: Cơ quan tôi tổ chức đi tham quan tại Ninh Thuận, khi về tôi cũng muốn mua các sản phẩm đặc trưng của địa phương làm quà tặng người thân. Tại khu vực tháp Po Klong Garai có cửa hàng bán các sản phẩm OCOP của địa phương rất tiện lợi để du khách tham quan mua sắm lại yên tâm về chất lượng sản phẩm.

Người dân và du khách tham quan, trải nghiệm sản phẩm OCOP trên tuyến phố đi bộ. Ảnh: TD

Tại các điểm DL trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây đều đã gắn DL với tiêu thụ sản phẩm OCOP nên đã tạo ra được những nét riêng, độc đáo cho những điểm đến trên địa bàn. Trong đó, phải kể đến như khu DL vườn nho Thái An (Ninh Hải), vừa kết hợp điểm DL tham quan vườn nho, vừa giới thiệu sản phẩm OCOP. Theo đoàn du khách đến tham quan Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An, ở đây du khách ngoài được trải nghiệm hái nho tại vườn còn được tham quan mua sắm các sản phẩm chế biến từ nho như: Rượu nho, siro nho, nước ép nho, táo, táo sấy, nho sấy... tại cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trong khuôn viên Hợp tác xã, du khách được nghe những câu chuyện hấp dẫn về quá trình sản xuất, chế biến các sản phẩm gắn với những đặc điểm riêng của địa phương. Các sản phẩm OCOP ngoài đảm bảo chất lượng, mẫu mã lại đa dạng, đẹp, tiện lợi trong sử dụng. Chính vì thế hầu hết các du khách trong đoàn đều sẵn sàng mua các sản phẩm OCOP sử dụng và tặng người thân, bạn bè làm quà.

Ninh Thuận hiện có 182 sản phẩm OCOP của 81 chủ thể, trong đó có 30 sản phẩm đạt 4 sao và 152 sản phẩm đạt 3 sao. Thời gian qua, hoạt động kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển DL trên địa bàn tỉnh đã được các sở, ngành quan tâm triển khai. Thông qua các hội nghị giới thiệu, kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển DL, hằng năm các doanh nghiệp DL, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đã ký kết hợp tác giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP, từng bước đưa sản phẩm OCOP vào các chương trình tour, qua đó đến gần hơn với du khách trên mọi miền đất nước.

Du khách tham quan mua sắm sản phẩm tại
điểm bán sản phẩm OCOP ở Khu du lịch tháp Po Klong Garai.

Ông Nguyễn Anh Vũ, Chủ tịch Hiệp hội DL tỉnh, chia sẻ: Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều điểm DL đẹp, cùng với đó Ninh Thuận cũng có nhiều đặc sản địa phương hấp dẫn du khách, tuy nhiên hiện nay việc liên kết giữa sản phẩm về DL với sản phẩm OCOP còn thiếu, phát triển nhỏ lẻ, nên chưa được nhiều du khách biết đến. Để kết hợp được thì phải có một khu mua sắm riêng biệt, để tất cả các khách đoàn về tham quan và mua các sản phẩm đặc trưng của Ninh Thuận. Bên cạnh đó, còn cần phối hợp với các công ty DL, để tạo ra các chương trình tour phù hợp với từng nhóm khách hàng, giúp du khách vừa được tham quan, trải nghiệm, học hỏi và mua sắm các sản phẩm đặc trưng mang về làm quà, từ đó tạo nên nhiều trải nghiệm và ấn tượng cho du khách. Đồng thời, thông qua các chương trình tour, thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP được mở rộng, đây là hình thức xuất khẩu sản phẩm tại chỗ hiệu quả, giảm chi phí mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Trong chương trình phát triển sản phẩm OCOP đến cuối năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 37 sản phẩm mới OCOP đạt hạng 3 sao trở lên và việc phát triển sản phẩm OCOP được gắn liền với việc xây dựng, khai thác các mô hình DL nông thôn, DL cộng đồng. Đây là hướng đi đang được khuyến khích nhằm tạo ra không gian phát triển cho khu vực kinh tế nông thôn, để thu nhập của người dân không chỉ trông vào sản phẩm nông nghiệp mà còn đa dạng các ngành nghề dịch vụ. Thông qua phát triển sản phẩm OCOP, DL cũng bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương. Bên cạnh đó, từ việc kết hợp tốt giữa các điểm DL với việc trưng bày, tham quan mua sắm các sản phẩm OCOP sẽ đem lại lợi thế cho cả hai ngành DL và nông nghiệp. Cụ thể, DL sẽ có thêm những sản phẩm đặc sắc để giữ chân du khách và sẽ chi tiêu nhiều hơn, tăng doanh thu cho lĩnh vực DL, ngành nông nghiệp sẽ có thêm kênh tiêu thụ, quảng bá nông sản của tỉnh đến mọi miền đất nước.