Gần 8 giờ sáng đông đảo bà con xã Phước Thắng đã tập trung tại hội trường thôn Ha Lá Hạ tham gia buổi nói chuyện chuyên đề cung cấp kiến thức về lợi ích của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn do Trung tâm Y tế huyện Bác Ái tổ chức. Với những hình ảnh trực quan, ví dụ cụ thể, cán bộ của Trung tâm Y tế huyện đã cung cấp cho các em học sinh những kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên, tình bạn khác giới, tình yêu lành mạnh... Đây là một hoạt động ý nghĩa, bổ ích giúp các em có nhận thức đúng, đủ về chăm sóc SKSS, cách bảo vệ bản thân trước các mối quan hệ khác giới. Em Katơr Thị Hy, thôn Ha Lá Hạ, Phước Thắng (Bác Ái) chia sẻ: Nhờ tham gia buổi tuyên truyền, em có dịp trao đổi, tư vấn về những vấn đề liên quan đến SKSS, KHHGĐ, tình bạn khác giới, tình dục an toàn, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục... qua đó trang bị thêm kiến thức cần thiết trước khi lập gia đình. Tuyên truyền lợi ích khám sức khỏe tiền hôn nhân chỉ là một trong nhiều nội dung về DS và phát triển được đội ngũ DS huyện Bác Ái triển khai. Phát huy nguồn lực của Dự án 7 về “Nâng cao chất lượng DS vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, thời gian qua Trung tâm Y tế huyện Bác Ái tập trung tuyên truyền, vận động sinh ít con ở vùng có mức sinh cao; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ, từng bước giúp nhân dân thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi DS.
Cán bộ chuyên trách dân số xã Phước Thắng (Bác Ái) tuyên truyền về phương pháp tránh thai hiện đại cho người dân.
Anh Cù Đăng Hiếu, phụ trách Phòng DS, Trung tâm Y tế huyện Bác Ái cho biết: Xác định khi đồng bào có kiến thức đầy đủ về DS và phát triển, nhận thức được nâng lên, sẽ chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình và con cái thế hệ tương lai. Vì vậy, thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Bác Ái đã tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú; chú trọng tuyên truyền, vận động trực tiếp tại từng hộ gia đình, nhằm thay đổi hành vi sử dụng dịch vụ DS và KHHGĐ và các loại hình dịch vụ phù hợp với tâm lý, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua công tác tuyên truyền, người dân dần thay đổi nhận thức từ “bao cấp, miễn phí” các dịch vụ DS và KHHGĐ sang “mua, bán”, phù hợp với khả năng chi trả và điều kiện của người dân. Ý thức của người dân về thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác DS và phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống, chăm sóc SKSS, chăm sóc người cao tuổi... được nâng lên rõ rệt. Hầu hết các hộ gia đình trên địa bàn huyện đã nắm được những kiến thức cơ bản về thực hành chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em như khám thai định kỳ, tiêm phòng uốn ván trước khi sinh, 100% trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại
vắc-xin phòng bệnh, uống vitamin A, phòng, chống suy dinh dưỡng, bảo đảm sức khỏe trong giai đoạn đầu đời. Đặc biệt, nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chấp nhận thực hiện biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại, phụ nữ chủ động chăm sóc SKSS. Gia đình chị Pi Năng Thị Bách, thôn Ha Lá Hạ, xã Phước Thắng đã có 3 người con nên sau khi được cộng tác viên DS tuyên truyền, chị tự nguyện áp dụng BPTT phù hợp. Chị Bách chia sẻ: Sinh thêm con sẽ khó khăn về kinh tế, giảm sút sức khỏe, ít điều kiện nuôi dạy các con, vì vậy hai vợ chồng đã quyết định kế hoạch để có thêm thời gian tập trung phát triển kinh tế gia đình, chăm lo cho các con.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác truyền thông, hệ thống cung cấp dịch vụ KHHGĐ trên địa bàn huyện ngày càng được mở rộng; mạng lưới nhân viên y tế, cộng tác viên DS tích cực bám địa bàn để phổ biến, hỗ trợ người dân về biện pháp KHHGĐ. Phương thức cung cấp dịch vụ KHHGĐ được đổi mới theo hướng mở rộng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của từng nhóm đối tượng. Đáng mừng, số người tự nguyện sử dụng các BPTT hiện đại trên địa bàn huyện ngày càng tăng, giúp phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, giảm tỷ lệ tảo hôn, góp phần giảm sinh và nâng cao chất lượng DS. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 4.915 phụ nữ áp dụng BPTT hiện đại, đạt trên 70% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, các BPTT thuốc uống, thuốc tiêm đều đạt tỷ lệ cao. Phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ và trẻ em được quan tâm thực hiện dinh dưỡng, bổ sung các vi chất cần thiết.
Nhằm nâng cao chất lượng DS, thời gian tới huyện Bác Ái tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về công tác DS trong tình hình mới. Đồng thời, thực hiện tốt công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS an toàn, chất lượng.
Mỹ Dung