Tỉnh Ninh Thuận có diện tích tự nhiên 3.358km2, dân số khoảng 600 nghìn người, với có 33 dân tộc sinh sống. Tỉnh thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu, nhất là tình hình hạn hán ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, khiến đời sống một số người dân còn nhiều khó khăn. Xác định vốn tín dụng CSXH là công cụ thiết thực, giúp hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện gầy dựng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống gia đình, ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức học tập, quán triệt tinh thần của Chỉ thị đến toàn thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể; các huyện, thành phố. Đồng thời, Tỉnh ủy còn ban hành Chỉ thị số 67-CT/TU ngày 23/4/2015 và Kế hoạch số 59-KH/TU ngày 22/7/2021 để lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo các nội dung, nhiệm vụ Chỉ thị số 40-CT/TW đề ra.
Cán bộ tín dụng Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ninh Phước thăm mô hình sản xuất của hộ vay ở xã Phước Hậu.
Ông Lê Minh Lộc, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, cho biết: Từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW ban hành, hoạt động tín dụng CSXH có sự chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt, với sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc giúp hoạt động ngân hàng ngày càng nâng cao, nguồn vốn tín dụng không ngừng tăng trưởng và phát triển bền vững cả về quy mô và chất lượng. Công tác bình xét cho vay luôn được chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, quá trình bình xét cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, đảm bảo đúng theo tinh thần, chủ trương của Đảng, Chính phủ là “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Một trong những điểm nổi bật đó là, các huyện, thành phố luôn quan tâm, đưa nội dung của Chỉ thị số 40-CT/TW vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, từ đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo được triển khai sâu sát hơn. Đơn cử tại huyện Thuận Bắc, ngoài ban hành các văn bản, chương trình, nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo, huyện còn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH nằm trên địa bàn; tổ chức cân đối, bố trí vốn ủy thác sang ngân hàng để bổ sung nguồn lực cho vay. Đến nay, thông qua 18 chương trình tín dụng chính sách ưu đãi, toàn huyện có 57.396 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, chiếm 65,4% số hộ dân trên địa bàn, với dư nợ hiện đạt 437 tỷ đồng; vốn tín dụng CSXH và các nguồn lực khác góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương từ 3,5-4%/năm.
Trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, từ khi có chủ trương bổ sung các đồng chí Chủ tịch UBND cấp xã tham gia vào Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp huyện đã góp phần nâng cao sức mạnh chính trị trong bộ máy chỉ đạo điều hành, từ đó mọi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về tín dụng CSXH được nắm bắt và triển khai kịp thời đến người dân, khắc phục hiệu quả các tồn tại so với trước đây. Trong 10 năm qua, nguồn vốn tín dụng CSXH tăng hơn 2.500 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW ban hành, nâng tổng dư nợ toàn tỉnh hiện đạt 3.736 tỷ đồng, với hơn 82.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng CSXH góp phần giúp cho trên 73.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho hơn 53.600 lao động được vay vốn hỗ trợ giải quyết việc làm, 43.600 học sinh, sinh viên được vay vốn học tập, xây dựng hơn 116.880 công trình nước sạch và công trình nhà vệ sinh, có 8.234 hộ nghèo được vay vốn xây dựng nhà ở...
Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Ninh Thuận giải ngân vốn vay cho người dân. Ảnh: Văn Nỷ
Cùng với quá trình giải ngân, công tác lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và chuyển giao kỹ thuật luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện thường xuyên; nhiều hộ đã biết cách làm ăn, đầu tư sản xuất làm tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Anh Trương Văn Hiền, thôn Trường Sanh, xã Phước Hậu (Ninh Phước) là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào lập nghiệp, phát triển hiệu quả kinh tế hộ từ vốn vay Ngân hàng CSXH. Với số tiền 100 triệu đồng vay từ chương trình giải quyết việc làm, anh đầu tư cây, con giống để thực hiện mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt. Bản tính cần cù, chịu khó cùng với kiến thức tiếp thu được qua các lớp tập huấn, mô hình đã đem lại thành công nhất định. Hiện anh đang nuôi 4 con bò, trồng 3 sào táo. Ngoài ra, anh còn thu mua táo của bà con địa phương, kết hợp với mở cửa hàng tạp hóa, giúp cải thiện đời sống, trở thành hộ khá giả. Từ vốn vay Ngân hàng CSXH, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như: Mô hình “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa, trồng măng tây xanh ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm; sản xuất nho, táo an toàn theo hướng VietGAP; mô hình “Nuôi bò vỗ béo”, “nuôi bò sinh sản”... Qua thực tế sản xuất, vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đã thúc đẩy nhanh quá trình giảm nghèo, hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2023 hiện còn 4,21% và góp phần xây dựng hoàn thành 31/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, nhìn nhận: Tín dụng CSXH là chương trình hỗ trợ vốn đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa và mang tính nhân văn sâu sắc, khẳng định rõ mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Qua thời gian triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, đã tạo được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh, hộ vay cũng đã hiểu rõ hơn quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia vay vốn, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả. Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong toàn tỉnh.
--------
* Đồng chí Pi Năng Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh:
Chỉ thị số 40-CT/TW là chủ trương lớn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Với ý nghĩa quan trọng đó, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh chủ động phối hợp, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn để tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình cho vay. Tín dụng chính sách đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, góp phần rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các vùng khác trên địa bàn tỉnh; đồng thời, nhân lên niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
* Đồng chí Phú Anh Lân, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Phước Dân (Ninh Phước):
Sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW ban hành, Đảng ủy thị trấn Phước Dân đã tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền kịp thời cán bộ, đảng viên, người dân trên địa bàn, nhất là triển khai thực hiện Chương trình hành động số 01-CTr/HU ngày 24/7/2015 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Bên cạnh đó, hằng năm, Đảng ủy thị trấn đều ban hành nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo người dân được nhanh chóng tiếp cận vốn ưu đãi của Chính phủ. Tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn thị trấn là 150 tỷ đồng, với 3.063 hộ vay, nguồn vốn thúc đẩy kinh tế hộ không ngừng phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
* Ông Nguyễn Ngọc Đức, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Trường Sanh, xã Phước Hậu (Ninh Phước):
Với vai trò là tổ trưởng, tôi luôn chấp hành đầy đủ các nội dung nhận ủy nhiệm với ngân hàng; thường xuyên phối hợp với thôn rà soát đối tượng, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận kịp thời vốn tín dụng chính sách. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay, nhắc nhở các tổ viên sử dụng vốn đúng mục đích, thực hiện trả gốc, lãi theo quy định. Nhờ vậy, chất lượng hoạt động của tổ luôn được duy trì hiệu quả, nhiều năm liền xếp loại tốt, chưa phát sinh nợ xấu.
Hồng Lâm