Đồng chí Phạm Thị Thanh Hường, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cho biết: Công tác chuẩn bị cho sự kiện cơ bản đã hoàn tất, sẵn sàng cho các hoạt động diễn ra một cách thuận lợi. Tại Đà Nẵng, đơn vị thi công đã triển khai lắp đặt khung gian hàng trưng bày, sân khấu, cổng chào, tiểu cảnh “check in” và sẽ bàn giao gian hàng cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vào ngày 12/7. Trong 50 gian hàng, có 6 gian “Không gian văn hóa” trưng bày nhạc cụ, trình diễn gốm, dệt; 15 gian trưng bày quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận; 14 gian trưng bày sản phẩm du lịch và 15 gian ẩm thực. Đặc biệt, tại “Không gian văn hóa”, ngoài trưng bày ảnh đẹp Ninh Thuận, các hiện vật dân tộc, xuyên suốt thời gian diễn ra sự kiện sẽ có trình diễn và trải nghiệm làm gốm Chăm, dệt thổ cẩm; trình diễn đàn Chapi, trống Ginăng, khèn bầu, mã la… đến từ các nghệ nhân dân gian như: Chamalé Âu; Tạ Yên Thiên; Đàng Thị Nhiễu, Hải Thị Gọi… Từ không gian văn hóa này, sẽ giới thiệu, quảng bá sâu rộng cũng như đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Ninh Thuận đến người dân và du khách trong và ngoài nước.
Nghệ nhân Chamaléa Âu chuẩn bị sẵn sàng, sẽ trình diễn đàn Chapi tại “Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Đà Nẵng năm 2024”. Ảnh: Văn Nỷ
Cũng như các sự kiện văn hoá tổ chức trước, các gian hàng ẩm thực luôn được chú ý bảo đảm những yêu cầu nghiêm ngặt về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, các món ăn dân gian đặc trưng của địa phương được chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng mang đến những trải nghiệm ẩm thực mới mẻ cho người dân và du khách. Theo đại diện Chi hội đầu bếp tỉnh, bên cạnh bày bán các món ăn, đặc sản của Ninh Thuân như: Bánh căn, bánh xèo, bánh canh…, điểm mới của sự kiện lần này đó là sự phối hợp giữa đầu bếp Đà Nẵng và đầu bếp Ninh Thuận trình diễn chế biến ngẫu hứng các món ăn mới từ nguyên liệu đặc thù của tỉnh, nhằm kích thích thị giác và vị giác của du khách, như: Nước giải khát miền nắng gió; xiên nướng khổng lồ; biểu diễn cắt cá cờ, cá cờ nướng đá khói… với giá tiền hợp lý từ 10.000 đến 100.000 đồng/phần.
Ngoài việc chuẩn bị và hoàn tất các khu, điểm để trưng bày, giới thiệu các sản vật văn hóa; một trong những phần quan trọng trong chuỗi của sự kiện là chương trình biểu diễn nghệ thuật. Những ngày này, không gian tại Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh “nóng” hơn thường lệ bởi sự tập luyện cao độ của đạo diễn và các biên đạo, nghệ sĩ chuẩn bị cho Chương trình nghệ thuật đặc biệt khai mạc sự kiện “Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Đà Nẵng năm 2024” diễn ra tối 14/7 và đêm nhạc 15/7 “Hát về Ninh Thuận quê hương tôi”.
Đơn vị thi công khẩn trương triển khai lắp đặt gian hàng trưng bày, sân khấu, cổng chào, tiểu cảnh “check in”. Ảnh: X.Nguyên
Đồng chí Phạm Thị Luận, Phó Trưởng đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh cho biết: Các tiết mục được giàn dựng theo phong cách dân gian đương đại, tôn trọng các giá trị văn hóa nguyên gốc, vừa lột tả những sắc màu văn hóa tinh túy của đồng bào các dân tộc vừa mang hơi thở cuộc sống của ngày mới với sự phối hợp ca - múa - nhạc cùng hoạt cảnh tái hiện lễ hội, nghi lễ tâm linh trong đời sống các dân tộc thiểu số và được chính các nghệ nhân, nghệ sĩ người dân tộc trên địa bàn tỉnh biểu diễn…
Có thể nói, đến thời điểm này, với sự nỗ lực của các cơ quan thành viên Ban Tổ chức, sự ủng hộ, đồng hành của các tầng lớp nhân dân, hy vọng rằng, “Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Đà Nẵng năm 2024” sẽ là một trong những sự kiện quan trọng nhằm đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Ninh Thuận, Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải miền Trung; đồng thời, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến du lịch Ninh Thuận, thu hút khách du lịch, góp phần hoàn thành mục tiêu đón 3,2 triệu lượt khách trong năm 2024.
Xuân Nguyên