Mới đây, trên tờ CNN, nhà báo Maggie Wong đã dành nhiều lời khen về cà-phê muối tại Việt Nam dù công thức pha chế ban đầu của đồ uống này đã tồn tại ở Bắc Âu và Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thế kỷ.
Dưới bàn tay sáng tạo của người Huế, cà-phê muối đã mang hương vị mới “có thể khiến ai chưa nếm thử phải ngạc nhiên” (trích CNN). Sự thành công của cà-phê muối một lần nữa chứng minh tài biến tấu ẩm thực của người Việt dựa trên nền tảng những nguyên vật liệu, món ăn có nguồn gốc từ nước ngoài.
Những món ẩm thực Việt Nam truyền thống như phở cũng có sự biến đổi theo thời gian để phù hợp với văn hóa của từng địa phương hay thói quen thưởng thức của thực khách trong nước và quốc tế.
Mặc dù vậy, sáng tạo trong ẩm thực vẫn có những ranh giới không dễ vượt qua. Theo một nghiên cứu của Đại học Tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ, có khoảng 15.000 thực phẩm mới được giới thiệu mỗi năm nhưng chỉ khoảng 10% trong số này có thể chinh phục được thực khách.
Cà-phê trứng - Thức uống lôi cuốn du khách khi tới Việt Nam. Ảnh: TRUNG HIẾU
Kết quả từ nghiên cứu trên cho biết thời gian trung bình để làm ra một món ăn mới vào khoảng 2 năm với nhiều công đoạn trước khi thương mại hóa sản phẩm. Đối với các tập đoàn thực phẩm, quá trình sáng tạo ẩm thực cần sự tham gia của đội ngũ nhân sự đông đảo gồm các nhà khoa học, kỹ sư và chuyên gia tiếp thị.
Thời gian gần đây công chúng Việt Nam không khỏi ngạc nhiên trước sự ra đời của hàng loạt món ẩm thực “độc, lạ” trên các nền tảng mạng xã hội. Nhưng sau những bất ngờ ban đầu, phần lớn người dùng internet lập tức nhận ra đây chỉ là chiêu trò câu view, câu like của một số nhà sáng tạo nội dung.
Nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, những người đăng tải các video clip tạo ra các công thức chế biến được chính các cư dân mạng gọi đó là “thảm họa ẩm thực”, tiêu biểu có thể kể đến như: trà sữa hành lá, kem trộn mắm tôm, cà-phê trứng bắc thảo…
Cá biệt, một số kênh YouTube còn khiến người xem hiểu lầm về văn hóa ẩm thực của người dân tộc thiểu số, biến tướng những món ăn độc đáo như cá nhảy, nậm pịa… khi chọn sai nguyên liệu, sơ chế mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đáng chú ý, những nội dung phản cảm nêu trên vẫn tiếp tục lan rộng nhờ sự hùa theo và tiếp tục lan truyền từ một bộ phận cư dân mạng. Thậm chí, trên mạng xã hội TikTok, còn xuất hiện trào lưu nhận thử thách chế biến và thưởng thức các món ăn độc hại.
Điều này không chỉ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng cho những ai thực hiện thử thách mà còn tác động tiêu cực đến lượng người xem, nhất là giới trẻ. Thực tế, báo chí đã không ít lần phản ánh các trường hợp đau lòng từ việc trẻ em làm theo những nội dung thách đố trên không gian mạng để rồi chịu hậu quả khó lường.
Các video clip chứa thông tin, hình ảnh sai lệch về thực phẩm xuất hiện tràn ngập trên mạng cũng khiến một số thực khách quốc tế hiểu chưa đúng, thậm chí mất thiện cảm đối với văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Ngoài ra, đây còn là sự lãng phí thực phẩm trong bối cảnh an ninh lương thực toàn cầu đang đứng trước nhiều thách thức.
Rõ ràng, sáng tạo trong ẩm thực cần được khuyến khích nhưng mỗi đổi mới phải dựa trên sự tôn trọng văn hóa, truyền thống kết hợp cùng kiến thức, kỹ thuật, phương pháp chế biến hiện đại, khoa học.
Điều này vừa thể hiện sự tôn trọng với cộng đồng vừa tạo cơ hội cho các món ăn mới nhanh chóng được thực khách đón nhận. Ngược lại, việc tùy tiện biến tấu món ăn vì cảm thức hời hợt hay các động cơ không trong sáng đều cần bị lên án.
Theo nhandan.vn