Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 239 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê, gồm các loại hình: Đình làng, chùa, miếu, nhà thờ, tháp Chăm, thánh đường Hồi giáo, di tích lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh. Đã có 75 di sản văn hóa được lập hồ sơ xếp hạng ở các cấp, với 2 danh mục đờn ca tài tử Nam bộ và nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 18 di sản cấp quốc gia và 53 di tích, di sản văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh… Trong những năm qua, công tác quản lý bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa của tỉnh luôn được quan tâm, chú trọng; việc trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích hằng năm được ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, góp phần phát huy hiệu quả giá trị di tích lịch sử văn hóa.
Đồng chí Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, các thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đánh giá Ninh Thuận là địa phương sở hữu nhiều di sản văn hóa độc đáo, có bức tranh văn hóa phong phú, đa dạng với sự giao thoa của các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Đồng thời, chia sẻ, đóng góp nhiều ý kiến xoay quanh về đầu tư, bảo tồn như: Công tác tổ chức quy hoạch phải mang tính tổng thể với chiến lược phát triển lâu dài về bảo tồn văn hóa; quan tâm đầu tư nâng cấp Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm, làng nghề truyền thống; chú trọng nghiên cứu, khôi phục các hệ thống nghi lễ, phong tục tập quán, ngành nghề thủ công truyền thống của vùng đồng bào. Định hướng phát triển các sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa; đào tạo nguồn nhân lực làm công tác bảo tồn di sản, chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn sự quan tâm của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã dành thời gian có chuyến khảo sát thực tế về các di sản văn hóa của tỉnh. Các ý kiến đóng góp tâm huyết của các thành viên trong đoàn, giúp tỉnh có những định hướng mới trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa tại địa phương thời gian tới. Do nguồn lực của tỉnh còn hạn chế nên việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản gặp một số khó khăn nhất định, đồng chí mong muốn Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia có ý kiến đề nghị Chính phủ và bộ, ngành liên quan bố trí các nguồn kinh phí trùng tu, tu bổ hệ thống các di tích văn hóa; quan tâm hỗ trợ lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt tháp Hòa Lai, tháp Po Klong Garai và bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật làm gốm của người Chăm.
Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đi khảo sát, tìm hiểu thực tế tại làng gốm Bàu Trúc.
Trước đó, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đi khảo sát, tìm hiểu thực tế tại tháp Hòa Lai, tháp Po Klong Garai, làng gốm Bàu Trúc và các Bảo vật quốc gia tại Bảo tàng tỉnh.
Hồng Lâm