* Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 31/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được quan tâm chỉ đạo theo Nghị quyết 15-NQ/TU của Tỉnh ủy đạt kết quả bước đầu. Đã thu hút nhiều dự án đầu tư động lực quan trọng trên các lĩnh vực năng lượng tái tạo, du lịch, kinh tế biển, như: Cảng tổng hợp Cà Ná, Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 là 1500MW, Khu công nghiệp Cà Ná quy mô 827 ha; các dự án năng lượng tái tạo đang triển khai và tiếp tục nghiên cứu điện gió ngoài khơi, các khu đô thị, du lịch....
Các đơn vị thi công Khu đô thị Đầm Cà Ná (Thuận Nam).Ảnh: Văn Nỷ
Tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Phước Nam, Khu công nghiệp Cà Ná, dự án điện khí LNG Cà Ná, khu đô thị Đầm Cà Ná và các dự án du lịch trọng điểm, dự án hạ tầng giao thông kết nối; hoàn thành và đưa vào khai thác chính thức Bến 1A Cảng tổng hợp Cà Ná và đang đẩy nhanh tiến độ Bến 1B; một số dự án công nghiệp đang hoàn tất các thủ tục để kêu gọi, thu hút đầu tư, như: Tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối; Trung tâm logistics Cà Ná; Tổng kho xăng dầu…
* Kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi được quan tâm chỉ đạo và tiếp tục phát triển theo Nghị quyết 19-NQ/TU của Tỉnh ủy đạt một số kết quả, kết cấu hạ tầng được tiếp tục quan tâm đầu tư đồng bộ, thông suốt. Toàn tỉnh có trên 99% hộ dân vùng DTTS được sử dụng lưới điện quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; trên 99% hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 75% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; có 14/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50% so với số xã vùng đồng bào DTTS.
Cơ sở hạ tầng, đường giao thông được đầu tư tạo thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Phước Nam (Thuận Nam) giao thương. Ảnh: Văn Nỷ
Chất lượng giáo dục vùng DTTS được cải thiện, hệ thống trường học các cấp phủ khắp các thôn, xã; đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa; có 28/28 xã vùng DTTS đạt chuẩn phổ cập mầm non trẻ năm tuổi và được công nhận đạt mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non trẻ năm tuổi. Hệ thống y tế cơ bản đáp ứng, các huyện miền núi có bệnh viện đa khoa khu vực, 100% thôn, xã có trạm y tế, bác sỹ, nhân viên y tế, trên 96% trạm y tế được xây dựng kiên cố. Các chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm y tế được quan tâm triển khai thực hiện. Tỷ lệ đồng bào DTTS tham gia bảo hiếm y tế đạt 87,75%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD thể nhẹ cân 16,6%; nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hình thành và phát huy. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS được cải thiện, thu nhập tăng lên. Thu nhập bình quân của người đồng bào DTTS đạt 32,4 triệu đồng/người, tăng 3,19 triệu đồng so với năm 2020, đạt 55,5% so với mục tiêu đến 2025; tỷ lệ hộ nghèo DTTS (theo chuẩn mới) là 13,04%, giảm 9,42% so năm 2021, bình quân giảm 3-4%/năm, riêng huyện nghèo Bác Ái tỷ lệ hộ nghèo còn 28,45%, giảm 11,64% so với với năm 2021. Tình hình an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS được giữ vững, ổn định.
Xuân Bính