* Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 17/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phát triển kinh tế biển đến 2025, định hướng đến năm 2030, chủ trương cơ cấu nghề khai thác thủy sản vùng khơi được chỉ đạo đẩy mạnh gắn với triển khai các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp (IUU). Công tác ứng dụng công nghệ cao trong khai thác hải sản được quan tâm đầu tư, đến nay hầu hết các tàu khai thác vùng khơi đều trang bị máy thu lưới, máy dò ngang, trong đó có 2 tàu sử dụng hệ thống máy siêu chụp thông minh với công nghệ tối tân nhất hiện nay; năng lực tàu cá tiếp tục nâng cao theo hướng hiện đại bảo đảm an toàn đánh bắt vùng biển xa (Năng lực tàu cá hiện tại là 2.293 chiếc từ 6m trở lên, Hình thành đội tàu cá 806 tàu (751 tàu khai thác thủy sản, 55 tàu dịch vụ khai thác thủy sản), tổng sản lượng khai thác thủy sản năm 2023 đạt 131.588 tấn, tăng 11,1% so với năm 2020. Tỷ trọng ngành khai thác thủy sản chiếm 10,4% GRDP tỉnh. Chủ trương phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững hướng ra biển được ưu tiên triển khai; đã thực hiện quy hoạch 3 khu sản xuất giống thủy sản tập trung thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao, gồm gồm: Khu sản xuất giống An Hải (Ninh Phước) quy mô 168 ha, Khu sản xuất giống Nhơn Hải (Ninh Hải) quy mô 130 ha và khu sản xuất tôm giống bố - mẹ Sơn Hải (Thuận Nam) quy mô 38 ha và 2 khu nuôi thủy sản trên biển, nước sâu ứng dụng công nghệ cao (C1, C2) theo quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để kêu gọi đầu tư.
Công ty TNHH Giống Thủy Sản Hồ Trung ở thôn Mỹ Tường, xã Nhơn Hải (Ninh Hải) sản xuất tôm giống chất lượng cao. Ảnh: Văn Nỷ
Chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước được đẩy mạnh. Đến nay Ninh Thuận được xem là trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng lớn nhất của cả nước, sản phẩm “Tôm giống Ninh Thuận” được thị trường đánh giá cao cả về sản lượng lẫn chất lượng; sản lượng tôm giống hàng năm dao động trên 41 tỷ postlarvae, đáp ứng trên 37% nhu cầu tôm giống của cả nước. Tỷ trọng ngành nuôi trồng thủy sản chiếm 5,1% GRDP tỉnh.
* Phát triển kinh tế hàng hải, trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ Dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1, đã đưa vào khai thác Bến 1A tàu 50.000 DWT và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành Bến 1B. Trong năm 2023 đã khai thác bến 1A Cảng tổng hợp Cà Ná với 66 lượt tàu, 157.286 tấn hàng thông qua cảng, trong đó 9.786 tấn xuất khẩu thị trường Singapore, 147.500 tấn thị trường nội địa. Tập trung chỉ đạo hoàn thành Quy hoạch Trung tâm logistics cấp vùng hạng II, Cảng cạn Cà Ná, kho xăng dầu Cà Ná để kêu gọi đầu tư.
Cơ sở hạ tầng của Cảng tổng hợp Cà Ná (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường nối cao tốc với Cảng tổng hợp Cà Ná; hoàn thiện thủ tục đầu tư tuyến đường động lực kết nối Cảng tổng hợp Cà Ná lên khu vực Nam Tây Nguyên nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông, góp phần khai thác có hiệu quả Cảng biển tổng hợp Cà Ná và Khu công nghiệp Cà Ná, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh. Công tác bố trí nguồn lực đầu tư khu tránh trú bão, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá được quan tâm. Trong 3 năm 2021-2023, tỉnh đã đầu tư thực hiện các công trình khắc phục sạt lở, khu neo đậu tránh trú bão, bảo vệ an toàn tài sản và người dân ven biển, như: Khu neo đậu tránh trú bão cửa Sông Cái (Cảng cá Đông Hải); Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp Cảng cá Cà Ná; Nâng cấp, mở rộng bến cá Mỹ Tân; Dự án bố trí dân cư vùng sạt lở ven biển Cà Ná, huyện Thuận Nam; Kè chống sạt lở bờ biển, bảo vệ dân cư khu vực xã Nhơn Hải đến Thanh Hải; Kè chống sạt lở khu vực cảng Cà Ná;…
Xuân Bính