Để khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh huy động các nguồn lực trong nước, cần hướng đến nguồn đầu tư nước ngoài với vai trò là một kênh thu hút đầu tư quan trọng.
TS. Hoàng Văn Xô, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Dân tộc cho biết: Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số nằm ở 52 tỉnh thành phố, trên diện tích bằng 2/3 diện tích cả nước Việt Nam với 11,7 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm hơn 11% dân số cả nước.
Huyện Tân Sơn có diện tích trồng chè lớn nhất của tỉnh Phú Thọ. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN
Phát triển vùng dân tộc thiểu số luôn là chính sách ưu tiên xuyên suốt qua các thời kỳ của Đảng, Chính phủ Việt Nam. “Tài sản lớn nhất của đồng bào dân tộc thiểu số đó là trong 11 triệu người, có tới 8 triệu người đến tuổi lao động. Vì vậy, Ủy ban Dân tộc hướng tới để những chính sách đưa đồng bào thoát nghèo, một trong những chính sách đó là chính sách về đào tạo”, ông Xô cho hay.
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) cho biết: Các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đã đầu tư vào một số tỉnh miền núi như: Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Kạn, tuy nhiên, lượng vốn vào các khu vực này còn khiêm tốn.
Theo ông Hong Sun, trong quá trình xúc tiến đầu tư, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần cân nhắc lựa chọn dự án phù hợp với điều kiện tự nhiên và tình hình thực tế của địa phương. Chẳng hạn, không nên thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực chip bán dẫn ở miền núi. Thay vào đó, các địa phương có thể kêu gọi các dự án nông nghiệp công nghệ cao cho các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.
“Hiện, khoảng cách giữa thành thị và miền núi ở Việt Nam là quá lớn. Ngoài ra, một trong những rào cản lớn nhất ở các khu vực này là hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện. Vì vậy, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư huy động thêm các nguồn viện trợ vào phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực”, ông Hong Sun đề xuất.
Ông Morimoto Yutaka, Chủ tịch Công ty TNHH Accord Biz cũng cho rằng, các tỉnh miền núi cần tập trung thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao để tận dụng nguồn lao động địa phương và điều kiện tự nhiên thuận lợi.
“Nguồn nhân lực tại chỗ cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Tại Nhật Bản, Công ty Accord Biz cũng gặp vấn đề tương tự là thiếu hụt lực lượng lao động ở khu vực nông thôn, đặc biệt là khu vực miền núi do giới trẻ đổ về các thành phố lớn như: Tokyo và Osaka để làm việc. Việc phụ thuộc vào người già cũng khiến Nhật Bản gặp rào cản trong việc phát triển sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao”, ông Morimoto Yutaka cho hay.
Để thu hút vốn vào lĩnh vực này, ông Morimoto Yutaka cũng cho rằng, Việt Nam cần mở rộng hệ thống logistics, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là mở rộng thị trường cho hoạt động xuất khẩu.
Để tiếp tục khai thác tiềm năng của khu vực miền núi, mới đây, Vụ Hợp tác Quốc tế thuộc Ủy ban Dân tộc đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc tế (ISC) nhằm cùng nhau hợp tác hỗ trợ các địa phương miền núi nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài và xúc tiến đầu tư vào các tỉnh miền núi, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.
Theo thỏa thuận hợp tác, ISC và Vụ Hợp tác Quốc tế sẽ phối hợp chặt chẽ trong ba lĩnh vực then chốt, bao gồm: đào tạo kiến thức pháp luật, kỹ năng quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài và nghiệp vụ xúc tiến đầu tư cho cán bộ các tỉnh miền núi; chủ trì, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư vào các tỉnh miền núi; tư vấn lẫn nhau trong các hoạt động liên quan đến hợp tác đầu tư quốc tế.
Ông Phan Hữu Thắng, Chủ tịch ISC và Chủ tịch Liên Chi hội Tài chính Khu Công nghiệp Việt Nam (VIPFA) nhận định, việc ký kết thoả thuận hợp tác giữa hai bên đánh dấu một bước đi quan trọng trong việc huy động nguồn lực và năng lực quốc tế nhằm phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng dân tộc thiểu số miền núi, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
ISC tự nguyện tham gia vào định hướng này thông qua việc hợp tác với Ủy ban Dân tộc nhằm cùng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương miền núi.
“Với năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư quốc tế, ISC mong muốn đóng góp vào nỗ lực chung của Chính phủ trong việc hỗ trợ các địa phương miền núi thu hút đầu tư hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước,” ông Phan Hữu Thắng nhấn mạnh.
Với tầm nhìn chiến lược và cam kết mạnh mẽ, sự hợp tác giữa ISC và Ủy ban Dân tộc hứa hẹn sẽ mang lại những cơ hội và triển vọng mới cho các địa phương miền núi trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện và không để ai bị bỏ lại phía sau của Chính phủ Việt Nam.
Theo baotintuc.vn