Đẩy mạnh công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động

Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người lao động (NLĐ). Thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng đã tăng cường các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác này, tuy nhiên tình trạng vi phạm ATVSLĐ vẫn còn khá phổ biến, tai nạn lao động (TNLĐ) thương tâm vẫn xảy ra.

Ông N.Đ.N ở phường Phủ Hà (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) là thợ sắt. Tháng 7/2023, ông N thỏa thuận với một chủ thầu nhận sửa chữa mái tôn một công trình dân dụng. Trong quá trình làm việc, ông N đã rơi từ mái nhà xuống nền xi măng dẫn đến chấn thương sọ não và tử vong. Còn đối với trường hợp ông N.H.T, công nhân vận hành ly tâm tại Công ty Cổ phần Tinh bột sắn Ninh Thuận. Vào tháng 1/2023, trong lúc vận hành máy ly tâm thì bị điện giật dẫn đến tử vong. Qua điều tra, phân tích các vụ việc cho thấy, nguyên nhân từ các vụ TNLĐ trên là do NLĐ bất cẩn, không tuân thủ các quy định ATVSLĐ, không được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường lao động có nguy cơ cao TNLĐ.

Công nhân Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động trong quá trình lao động sản xuất.

Theo báo cáo của ngành chức năng, trong năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 9 vụ TNLĐ liên quan đến 11 người; trong đó làm 5 người chết, 3 người bị thương nặng. Qua thanh tra, kiểm tra, khảo sát tình hình của ngành chức năng cho thấy, tình hình vi phạm ATVSLĐ vẫn còn khá phổ biến. Đồng chí Trần Đức Long, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết: Hằng năm, Sở LĐ-TB&XH thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật lao động, ATVSLĐ, bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp (DN). Riêng trong năm 2023, sở đã phối hợp tiến hành 27 cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó đã phát hiện nhiều vi phạm. Đoàn đã ban hành 111 kiến nghị đối với các lỗi vi phạm; liên tục đôn đốc, nhắc nhở các DN khắc phục. Trong quá trình thanh tra, kiểm ra, đoàn đã chỉ rõ nhiều nguy cơ cũng như nguyên nhân dẫn đến TNLĐ, nổi cộm là trình độ, kinh nghiệm, ý thức, nhận thức về công tác đảm bảo ATVSLĐ của một bộ phận NLĐ và chủ DN còn hạn chế; thiếu thận trọng, chủ quan trong thao tác; vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn; không sử dụng trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân; sự phối hợp công việc trong nhóm thợ chưa tốt dẫn đến tai nạn cho bản thân và đồng nghiệp. Bên cạnh đó, công tác quản lý, tổ chức điều hành sản xuất, chỉ đạo thi công của cán bộ công trường, phân xưởng chưa đảm bảo; việc bố trí lao động, phân công công việc không cụ thể, khoa học; tổ chức, sắp xếp nơi làm việc chưa đảm bảo, chưa dự báo, phát hiện kịp thời những nguy cơ mất an toàn để có biện pháp xử lý...

Ngoài các cuộc thanh tra, kiểm tra của ngành chức năng, các DN cũng đã tổ chức tự kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất các tổ, trạm về ATVSLĐ. Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát hiện trường sản xuất của cán bộ chỉ đạo sản xuất cấp công trường, phân xưởng, cán bộ phòng, ban chuyên môn có lúc, có nơi chưa sâu sát, chưa phát hiện được thiếu sót, vi phạm của NLĐ để kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục.

Tại khu vực xây dựng dân dụng, việc quản lý ATVSLĐ ở nhiều địa phương còn lỏng lẻo, trong khi đó vi phạm ATVSLĐ ở các công trình này lại rất phổ biến như: Thợ xây ở các công trình không có quần áo, mũ bảo hộ lao động, phương tiện bảo hộ; nhiều công trình xây dựng cao tầng nhưng thợ làm việc xung quanh không có lan can an toàn; xung quanh khu vực xây dựng không được rào ngăn. Các công trình này cũng không có giải pháp chuyển vật liệu thừa, vật liệu thải từ trên cao (trên 3m) xuống. Thậm chí, có những công trình, thợ xây tiện tay xúc hất vật liệu thừa từ tầng cao xuống mặt đất gây bụi ô nhiễm, ảnh hưởng đến các hộ xung quanh... Hầu hết các thợ ở những công trình này đều không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ còn nhiều khó khăn, hạn chế; mới tác động chủ yếu đến các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô lớn, tập trung ở các khu công nghiệp, chưa triển khai sâu rộng đến nhóm DN vừa, nhỏ, siêu nhỏ, các làng nghề truyền thống, nhất là nhóm lao động không có hợp đồng lao động do thường xuyên thay đổi việc làm và nơi làm việc; nếu có thì chỉ mang tính đối phó, chưa thực chất.

Đồng chí Trần Đức Long cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tích cực tham mưu với UBND tỉnh các giải pháp nâng cao công tác quản lý, điều hành, trước mắt đẩy mạnh các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tập trung rà soát, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về bảo hộ lao động, tình hình TNLĐ, bệnh nghề nghiệp của các DN trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, các cấp, các ngành chức năng chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các DN tự kiểm tra các thiết bị, máy, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; kiểm tra các dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, kịp thời thay thế và bổ sung những thiết bị hư hỏng, khiếm khuyết; thường xuyên tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ cho NLĐ. Tổ chức và chỉ đạo ký cam kết thực hiện các mục tiêu cải thiện điều kiện lao động; tổ chức khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh nghề nghiệp và có phát đồ điều trị kịp thời cho NLĐ... Qua đó bảo đảm ATVSLĐ, hạn chế hạn chế tối đa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho NLĐ, góp phần vào sự phát triển bền vững của DN.