Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể

Xác định vai trò và tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể (KTTT), thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo động lực thúc đẩy KTTT phát triển. Qua đó, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Phát huy vai trò kinh tế tập thể

Xác định KTTT là một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển đúng hướng, bền vững, tỉnh đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về bản chất, vai trò cũng như cơ chế, chính sách đối với phát triển, nâng cao hiệu quả của KTTT, biểu dương các mô hình điển hình tiên tiến trong hoạt động của hợp tác xã (HTX) để nhân rộng.

Nông dân Thái An (Ninh Hải) trồng nho kết hợp với phát triển du lịch. Ảnh: Văn MIên

Thực hiện chuyển đổi mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012, vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ của trung ương và của tỉnh, nhiều HTX đã tổ chức lại quy mô, lĩnh vực hoạt động phù hợp với yêu cầu thực tế, nâng cao hiệu quả hoạt động. Các HTX trên địa bàn tỉnh sau khi chuyển đổi hoặc được thành lập mới đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Một số HTX đã gắn phát triển sản xuất, kinh doanh với khai thác, nâng cao chất lượng các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của địa phương. Một số mô hình HTX kiểu mới hoạt động có hiệu quả được nhân rộng, liên kết giữa các HTX với nhau và với các tổ chức kinh tế khác bước đầu có sự phát triển, các tổ chức KTTT đã từng bước khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 915 tổ hợp tác và có 122 HTX, các HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp có 92 HTX, chiếm 76,03%. Tổng số thành viên của HTX, tổ hợp tác đang hoạt động có khoảng 29.000 thành viên. Doanh thu bình quân của HTX năm 2023 đạt 2,35 tỷ đồng/HTX, trong đó doanh thu đối với các thành viên đạt 1,8 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân đạt 230 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX đạt 60 triệu đồng/người.

Không còn sản xuất theo quy mô hộ gia đình manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu làm theo kinh nghiệm truyền thống, hiện nay các HTX ngày càng chủ động trang bị kiến thức về quy trình sản xuất an toàn, áp dụng khoa học, kỹ thuật. Sự chủ động, thay đổi tư duy, cách làm trong liên kết sản xuất giúp các mô hình KTTT được phát triển nhiều hơn và phát huy lợi thế, góp phần nâng cao thu nhập người dân và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Có thể kể đến HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) là một ví dụ điển hình, khai thác tiềm năng, lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với canh tác các loại cây trồng cạn ở xã An Hải, HTX vận động thành viên chuyển 35ha rau xanh sang trồng măng tây xanh, tạo đột phá thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng chú trọng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, HTX triển khai mô hình cánh đồng lớn sản xuất măng tây xanh, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, giống mới, sử dụng phân bón hữu cơ, cho năng suất cao gấp 1,5 lần so với hình thức canh tác truyền thống trước đây.

Cùng với HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, HTX Nho Evergreen Ninh Thuận, phường Văn Hải (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) cũng áp dụng kỹ thuật bao trái cây nho trong canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, thực hiện các quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói, bảo quản đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng hơn 100 tấn nho, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn tỉnh.

Trong giai đoạn đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, vị trí, vai trò của KTTT càng quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt là việc phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền trong tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách liên quan đến KTTT, góp phần rất lớn trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, xây dựng nông thôn mới.

Cần “cú hích” vốn tín dụng

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phát triển KTTT tỉnh, mặc dù đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nhưng qua thực tế cho thấy KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Phần lớn HTX ở trong tình trạng thiếu vốn, mặt bằng sản xuất, trình độ quản lý, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ còn hạn chế nên sức cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ chưa cao; việc tiếp cận nguồn vốn vay của các HTX còn gặp nhiều khó khăn, nhất là từ các ngân hàng thương mại, bởi không có tài sản thế chấp. Đa số hoạt động của các HTX là hỗ trợ các thành viên phát triển kinh tế hộ gia đình nên hiệu quả sản xuất cũng còn thấp càng khiến cho cơ hội được vay vốn bị thu hẹp hơn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh cho biết: Để KTTT tăng khả năng tiếp cận vốn, tín dụng, chi nhánh chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho HTX nông nghiệp, bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận vốn, tín dụng. Thực hiện các chính sách trên, tính đến hết tháng 2/2024 tổng dư nợ tín dụng cho vay là 947 triệu đồng/3 HTX, dư nợ tập trung chủ yếu vào các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và kỳ hạn cho vay ngắn hạn chiếm 94,2%.

Các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp hành tím Nhơn Hải (Ninh Hải) phân loại hành tím.

Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) cho biết: Việc cho vay vốn đối với HTX gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu các ngân hàng cho thành viên của HTX vay trực tiếp để sản xuất, kinh doanh. Đa phần khi cần vốn xoay vòng nhanh hoặc làm những việc chung của HTX, các HTX phần lớn sẽ đứng ra vay từ bên ngoài hoặc từ chính các thành viên. Đây chỉ là giải pháp tình thế vì nếu muốn HTX phát triển bền vững, ổn định phải có nguồn vốn đầu tư lớn, lâu dài, tôi rất mong có cơ chế thông thoáng hơn trong việc tiếp cận tín dụng dành cho các HTX để đưa lĩnh vực này ngày một phát triển, đồng hành cùng nông dân trong vùng và các thành viên.

Thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ HTX, phát triển hoạt động cho vay đối với các HTX là vấn đề quan trọng trong giải pháp thúc đẩy tài chính gắn với tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phát triển KTTT, HTX. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần phải có sự nỗ lực đồng bộ, sự vào cuộc thật sự trách nhiệm của nhiều bên, bao gồm cả bên đi vay, bên cho vay và các cơ quan quản lý nhà nước. Chỉ có như vậy thì việc tiếp cận tín dụng của các HTX mới có thể đáp ứng được mục tiêu đề ra trên cơ sở HTX dễ dàng được đáp ứng nhu cầu vốn, đồng thời đáp ứng được mức sinh lời nhất định và an toàn vốn vay cho các ngân hàng.

Để hỗ trợ KTTT phát triển, hiện chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh đang tiếp tục triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn, tín dụng cho KTTT. Về phần mình, các HTX cần nâng cao năng lực quản trị, tài chính bằng cách thu hút thêm vốn cổ phần, tăng cường tích lũy vốn, thực hiện nghiêm Luật Kế toán đảm bảo tính chính xác, kịp thời thông tin cung cấp cho ngân hàng. Cùng với đó, nhằm phát huy hơn nữa trách nhiệm của mình trong giai đoạn mới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tập trung làm tốt vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức KTTT. Phát huy vai trò hướng dẫn, chia sẻ thông tin, vận động thực hiện các chính sách đối với KTTT. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về KTTT, HTX, nhằm nâng cao vai trò, hiệu quả của KTTT, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.