Ninh Phước chủ động sản xuất trong tình hình nắng hạn

Để chủ động sản xuất trước tình hình nắng hạn, huyện Ninh Phước đang tập trung triển khai công tác ứng phó với nắng hạn, vận động người dân tận dụng các nguồn nước, sử dụng tiết kiệm để ổn định sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả.

Thôn La Chữ, xã Phước Hữu là địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của nắng hạn, nhiều diện tích đất sản xuất của người dân gặp khó khăn do không chủ động được nguồn nước tưới. Để khắc phục tình trạng trên, nhiều hộ dân đã chủ động bơm nước từ đập đá Sông Lu, khoan giếng, đào ao để tích nước cho 50ha lúa đang làm đòng, 10ha táo và mãng cầu, 8ha măng tây xanh; đồng thời sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng. Nhờ vậy, nhiều diện tích cây trồng vẫn xanh tốt, đảm bảo năng suất. Ông Hồ Văn Hiệp, thôn La Chữ chia sẻ: Nhà tôi có 8 sào trồng măng tây xanh, 2 sào táo và 2 sào trồng bưởi da xanh, nhưng 2 tháng nay nước từ hệ thống kênh mương nội đồng không còn. Để đảm bảo nguồn nước tưới cho toàn bộ diện tích cây trồng, gia đình đã chủ động khoan 3 cái giếng, với chi phí gần 60 triệu đồng để bơm lên tưới cho cây trồng. Ngoài ra, gia đình còn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, vừa tiết kiệm được nước tưới. Nhờ đó, toàn bộ diện tích cây trồng của gia đình phát triển xanh tốt.

Nông dân xã Phước Vinh chủ động lấy nước tưới cho cây trồng.

Tại xã Phước Vinh, gần 2 tháng nay lượng nước từ hồ Lanh Ra đưa về các kênh mương rất yếu do mực nước hồ xuống thấp. Những vùng gò cao, nhiều cây trồng đang rất cần nước tưới nhưng dòng chảy không thể tới. Để khắc phục tình trạng này, nhiều hộ dân ở thôn Phước An 1 đã chủ động nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh mương nội đồng; tích cực nạo vét các giếng, ao tích nước để tưới cho cây trồng. Ông Nguyễn Ngọc Thiêng, thôn Phước An 1 cho biết: Để đảm bảo nguồn nước tưới cho 1,3ha mãng cầu, gia đình đã chủ động nạo vét giếng và khoan thêm 6m giữa lòng giếng để có đủ lượng nước tưới cho cây trồng. Nhờ vậy, toàn bộ diện tích cây mãng cầu phát triển xanh tốt.

Do thời tiết nắng hạn kéo dài nên mức nước tại hồ Lanh Ra hiện còn khoảng 6 triệu m3 (đã xuống mực nước chết), nên chỉ phục vụ điều tiết nước luân phiên 2 lần/tháng (vào ngày 15 và 30 hằng tháng) đủ cung cấp nước tưới cho cây trồng lâu năm và chăn nuôi. Đồng chí Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Vinh cho biết: Để chủ động ứng phó với nắng hạn, UBND xã Phước Vinh đã chỉ đạo cho các hợp tác xã huy động người dân nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng để dẫn nước; vận động người dân nạo vét khoảng 50 cái giếng đã đào từ các năm trước để chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng; tổ chức nạo vét 3 ao chứa nước tại các thôn để bơm tích nước uống cho gia súc. Nhờ triển khai các biện pháp ứng phó với nắng hạn, nên địa phương đã giải quyết được tình trạng thiếu nước sản xuất và cho gia súc trong mùa nắng hạn. Để chủ động trong sản xuất, xã vận động người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp theo hướng ít sử dụng nước, điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm; thường xuyên theo dõi và hướng dẫn nông dân xuống giống, xuống vụ theo đúng kế hoạch của ngành nông nghiệp.

Nông dân thôn La Chữ, xã Phước Hữu khoan giếng, bơm nước tưới cho cây trồng. Ảnh: Tiến Mạnh

Đồng chí Đàng Năng Tom, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Vừa qua, trên địa bàn huyện có mưa, tuy nhiên lượng nước tích ở các hồ không đủ để mở rộng sản xuất nên trong vụ hè - thu, huyện chỉ đạo chỉ sản xuất diện tích hưởng lợi từ hế thống tưới Kênh Nam, Kênh Chàm và Kênh Nam 2 với diện tích dự kiến 7.723ha. Trong đó, cây lúa 4.310ha; cây bắp 667ha; rau, đậu các loại 1.164ha; cỏ chăn nuôi 401ha; cây lâu năm chủ lực 1.139ha. Tiếp tục duy trì 11 cánh đồng lớn lúa diện tích trên 2.150ha và 2 cánh đồng lớn măng tây xanh 56,65ha. Ngoài ra, luân canh, chuyển đổi cây trồng vụ hè - thu với diện tích 44,7ha từ đất lúa, đất màu sang các loại cây trồng ít sử dụng nước tưới.

Đối với chăn nuôi gia súc, huyện đã triển khai thông báo và phương án tổ chức di chuyển đàn vật nuôi đến những khu vực đảm bảo nguồn nước và thức ăn; vận động các hộ chăn nuôi chủ động dự trữ nước trong các hồ chứa, trồng thêm cỏ, tận dụng nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc trong mùa nắng hạn. Chỉ đạo Trạm Thủy nông huyện phối hợp với các xã, thị trấn có kế hoạch điều tiết nước luân phiên cho từng vùng, từng xứ đồng một cách hợp lý và tiết kiệm; phối hợp với các cấp, ngành xây dựng phương án tổ chức nạo vét kênh mương đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân và phục vụ sản xuất trong mùa nắng hạn.