Ninh Thuận chuẩn bị tổ chức hội nghị khoa học công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 9

Đây là hoạt động 2 năm một lần nhằm đánh giá, tổng kết hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực điện hạt nhân và định hướng các hoạt động nghiên cứu trong giai đoạn tiếp theo.

(NTO) Hội nghị lần này được tổ chức tại Ninh Thuận là nơi sẽ tiến hành xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Hội nghị do Hội Năng lượng Nguyên tử Việt Nam phối hợp với Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Thuận đồng tổ chức. Hội nghị nhằm mục đích chính là trao đổi các kết quả nghiên cứu, đào tạo và xây dựng tiềm lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân giai đoạn 2009-2011 của cộng đồng khoa học và công nghệ hạt nhân Việt Nam và xác định phương hướng nghiên cứu cho giai đoạn tiếp theo.

Trong giai đoạn 2009-2011, có nhiều sự kiện quan trọng đối với quá trình phát triển của ngành năng lượng nguyên tử. Tháng 11-2009, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, theo đó hai nhà máy điện hạt nhân (Ninh Thuận 1 và Ninh Thuân 2) với bốn tổ máy tổng công suất 4.000MW sẽ được xây dựng và lần lượt dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2020 và 2021. Tháng 6-2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân đến năm 2030. Theo Định hướng này, Việt Nam sẽ có 8.000 MW điện hạt nhân vào năm 2025 và 15.000-16.000 MW điện hạt nhân vào năm 2030. Tháng 10-2010, Chính phủ Việt Nam đã ký với Chính phủ Nga hiệp định về xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Tháng 01-2011, Chính phủ Việt Nam đã ký với Chính phủ Nhật Bản Hiệp định hợp tác về sử dụng hoà bình năng lượng nguyên tử là cơ sở để hai nước hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân. Hiện tại hai bên đang thảo luận về việc triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Đồng thời trong năm 2010 các quy họach về phát triển ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp, công nghiệp và các ngành kinh tế kỹ thuật, và trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án đào tạo nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2010. Đến nay, Ban tổ chức đã nhận được 180 báo cáo đăng ký tham gia Hội nghị từ các cơ quan nghiên cứu khoa học. Tham dự Hội nghị có các cán bộ nghiên cứu khoa học từ các cơ quan nghiên cứu và các trường đại học trên khắp các miền đất nước, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân từ một số nước như Nhật Bản, Liên Bang Nga…Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, …

Các hoạt động của Hội nghị sẽ góp phần giải quyết các vấn đề khoa học, công nghệ, xây dựng tiềm lực cho chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam và tăng cường các ứng dụng của năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.