(NTO) Với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2011 – 2015, Huyện ủy Ninh Sơn đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, chuyên canh, thâm canh cây trồng có năng suất, chất lượng cao trên cơ sở áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới vào sản xuất.
Chỉ tính riêng trong vụ đông-xuân vừa qua, toàn huyện đã phát triển diện tích gieo trồng lên 4.742,3 ha, tăng 4,46% so với cùng kỳ; sản lượng lương thực đạt 18.927 tấn, tăng 2.224 tấn. Trong đó, cây lúa 2.347 ha, tăng 12,2%; riêng cây mì và cây mía, hai loại cây trồng chủ lực của địa phương, huyện đã phát triển được 3.625 ha (trong đó, cây mía 1.800 ha, đạt 106% kế hoạch; cây mì 1.825 ha, đạt 107% kế hoạch) và tập trung nhiều nhất ở các xã Hoà Sơn, Quảng Sơn...
Mía Ninh Sơn. Ảnh: Văn Miên
Đồng chí Trần Lợi, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Sơn cho biết: Địa hình xã Quảng Sơn chủ yếu đồi dốc, bà con sản xuất chỉ dựa vào nước trời là chính. Vì thế trong phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền vận động bà con chỉ tập trung phát triển hai loại cây trồng chính đó là mía đường và mì. Còn trong chăn nuôi chủ yếu phát triển các loại gia súc: bò, dê, cừu, heo. Với định hướng này, đến nay địa phương có một số hộ dân mạnh dạn đầu tư sản xuất lớn, với quy mô hàng chục ha. Lợi nhuận hằng năm thu được trên hàng chục triệu đồng.
Cùng với phát triển các loại cây trồng, với lợi thế về đồng cỏ tự nhiên, Ninh Sơn còn tập trung phát triển chăn nuôi gia súc theo mô hình trang trại vừa và nhỏ, kết hợp lồng ghép giữa trồng cỏ với chăn nuôi vỗ béo đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân. Tính đến nay, tổng đàn gia súc toàn huyện có trên 64.000 con, trong đó đàn bò 23.150 con, đàn trâu 298 con, đàn dê, cừu 21.225 con và đàn heo 19.770 con. Các mô hình như: Trồng cây ăn trái ở xã Lâm Sơn đến nay đã triển khai trồng được gần 200 ha; mô hình nuôi cá nước ngọt xen vụ với trồng lúa tại một số địa phương như Lương Sơn, Quảng Sơn, thị trấn Tân Sơn... phát triển được trên 50 ha. Nhiều mô hình mới như: Nuôi heo địa phương, nuôi heo rừng lai, nuôi gà H’mông, trồng rau an toàn... cũng được huyện quan tâm triển khai đến tận người dân.
Nông dân thôn Trà Giang, xã Lương Sơn phơi bắp sau khi thu hoạch.
Ảnh: Văn Miên
Trong phát triển Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp và Thương mại – Dịch vụ, tuy là huyện miền núi, nhưng nhờ có chính sách ưu đãi về vốn, mặt bằng sản xuất cũng như cải cách các thủ tục hành chính nên nhiều thành phần kinh tế đã mạnh dạn mở rộng quy mô, đổi mới thiết bị, công nghệ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ đến nay đã vươn lên trở thành những doanh nghiệp tư nhân ăn nên làm ra, giải quyết hàng trăm lao động cho địa phương. Đơn cử trong lĩnh vực này là HTX Tiểu- thủ công nghiệp Quảng Sơn, mặc dù mới đi vào hoạt động từ năm 2003, nhưng đã rất năng động không ngừng tăng cường đa dạng hóa sản phẩm. Hiện nay, mỗi tháng HTX sản xuất được hơn 1.000 sản phẩm thêu ren, hơn 2.000 sản phẩm thêu len và hàng nghìn sản phẩm đính cườm trang trí cho quần áo xuất khẩu, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Các nghề truyền thống, như: đồ mỹ nghệ, làm đũa,… cũng được củng cố và phát triển. Đặc biệt, tỉnh cũng đã chọn xã Quảng Sơn để xây dựng Cụm công nghiệp với diện tích 65 ha, càng mở ra cho Ninh Sơn một tương lai đầy hứa hẹn. Hiện tại, ngoài một số nhà máy như: Gạch Tuy-nen Quảng Thuận, Nhà máy ván ép Triển Lâm, Nhà máy mì đã đi vào hoạt động; các dự án khác như: Cơ sở Nghiền đá xây dựng Sông Trà, Dệt xuất khẩu Quảng Phú… cũng đang được khởi công xây dựng. Khi đi vào họat động, ngoài việc góp phần đưa nền kinh tế Ninh Sơn phát triển, cụm công nghiệp này còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động của địa phương.
Kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn được huyện đầu tư phát triển mạnh. Từ đầu năm 2011 đến nay thông qua nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung và nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi, huyện đã đầu tư trên 10 tỷ đồng để thực hiện bê- tông hóa 5,4 km đường liên thôn, nội đồng cho các địa phương Tân Sơn, Lâm Sơn và Quảng Sơn.
Chính nhờ bước tiến này, qua gần một năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ X, kinh tế của huyện Ninh Sơn đã có bước tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt từ 11-12%. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2011, giá trị sản xuất các ngành trên địa bàn huyện đạt 373 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Trong đó, sản xuất ngành nông- lâm nghiệp đạt 160,9 tỷ đồng, tăng 6,6%; sản xuất công nghiệp – xây dựng đạt 85,9 tỷ đồng, tăng 24,3%; giá trị sản xuất thương mại – dịch vụ đạt 126,6 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 28,26% (theo chuẩn mới)...
Đồng chí Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn cho biết: “Mục tiêu của huyện Ninh Sơn trong những năm tới đó là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển nhanh và toàn diện để xóa nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Trong đó, về nông nghiệp ngoài việc tập trung phát triển các loại cây trồng lúa, bắp, dưa hấu ở các xã Nhơn Sơn, Lương Sơn, Ma Nới, Tân Sơn, huyện còn chú trọng đến việc phát triển các vùng cây nguyên liệu mía, mì, thuốc lá, bông vải ở các xã Quảng Sơn, Hòa Sơn và Mỹ Sơn với diện tích khoảng 4.000 ha/năm. Huyện chú trọng phát triển đàn gia súc có sừng (trâu, bò, dê, cừu) theo hướng chất lượng cao. Tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch cụm Công nghiệp Quảng Sơn và quan tâm đến một số dự án do Nhà nước đầu tư như: Dự án các nhà máy thủy điện hạ Sông Pha 1, hạ Sông Pha 2, thượng Sông Ông, dự án đầu tư phát triển vườn cây ăn trái chất lượng cao gắn với du lịch sinh thái SaKai – Lâm Sơn, dự án nhà máy nước khoáng Tân Mỹ Á... Bên cạnh đó huyện tiếp tục có chính sách ưu đãi về mặt bằng sản xuất cũng như việc cải cách các thủ tục hành chính giúp các hộ kinh doanh mạnh dạn đầu tư phát triển thêm các ngành nghề như: thủ công mỹ nghệ, mộc gia dụng, kỹ nghệ sắt, may mặc, ăn uống…tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Văn Thanh
Đồng chí Phan Hữu Đức, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ninh Sơn:
Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ninh Sơn khóa X xác định: Huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả đầu tư. Tập trung chỉ đạo tốt sản xuất nông – lâm nghiệp và thủy sản gắn với công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm hàng hóa trong sản xuất để hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Phấn đấu đến cuối năm 2011 tổng giá trị sản xuất đạt 664 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng từ 11%-12%; tổng sản lượng lương thực 47.900 tấn; tổng thu ngân sách 40,33 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 1.900 lao động; tỷ lệ hộ dùng nước hợp vệ sinh tăng 5% so với năm 2010; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên còn 1,15%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1%-2%; có 70% tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch, vững mạnh; kết nạp 60 đảng viên mới.
Đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Bí thư Đảng ủy-Chủ tịch UBND thị trấn Tân Sơn:
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X là phấn đấu đến năm 2015 xây dựng thị trấn Tân Sơn thành đô thị loại 4, thời gian qua, địa phương đã triển khai quyết liệt một số nhiệm vụ như phối hợp với các cơ quan chuyên môn lập quy hoạch chi tiết sử dụng đất; tập trung ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng. Đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường nhựa trên địa bàn; bê-tông hóa một số tuyến đường xây dựng hệ thống thoát nước ở một số khu phố. Hiện tại đang triển khai dự án nâng cấp chợ trung tâm; mở tuyến đường từ quốc lộ 27A đi Cầu Gãy… Thời gian tới sẽ triển khai Dự án Đặt tên đường, số nhà, trồng cây xanh và lắp đặt đèn chiếu sáng ở các tuyến đường.
Với sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, sự đồng thuận cao của toàn thể nhân dân nên nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ninh Sơn lần thứ X đang đi vào cuộc sống thực tiễn ở địa phương.
Văn Thanh - Anh Tùng