Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, hạn chế rủi ro cho nông dân trong sản xuất

Là những sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, vật tư nông nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm mà còn tác động đến sức khỏe cộng đồng. Với thị trường vật tư nông nghiệp phong phú, nhiều mẫu mã, chủng loại, xuất xứ,… như hiện nay, việc quản lý chất lượng các sản phẩm này là một khó khăn lớn của ngành nông nghiệp. Tỉnh ta cũng không ngoại lệ.

(NTO) Trong những tháng đầu năm 2011, các ngành chức năng của tỉnh đã phát hiện và xử lý hơn 80 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp, thu nộp ngân sách hơn 150 triệu đồng. Vật tư nông nghiệp được quy định là các sản phẩm thuộc các lĩnh vực: giống, nuôi trồng thủy sản; thú y, thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản; bảo vệ thực vật, chất lượng nông-lâm sản và thủy sản.

Chất lượng vật tư nông nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng nông sản
mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Trần Công Minh, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Tỉnh ta chưa có đơn vị sản xuất vật tư nông nghiệp mà chỉ có đơn vị kinh doanh và sử dụng nên công tác quản lý nhìn chung không quá phức tạp như các địa phương khác. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra trường hợp vi phạm nghiêm trọng nào trong lĩnh vực này.” Việc thanh, kiểm tra các sản phẩm này luôn có sự phối hợp liên ngành giữa các đơn vị như: Quản lý thị trường, Đo lường chất lượng (Sở Công Thương); các Chi cục quản lý chuyên ngành Thú y, Bảo vệ thực vật, Nuôi trồng thủy sản (sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chính quyền địa phương,…

Ông Phan Quang Thựu, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật, cho biết: “Hàng năm, chúng tôi đều tổ chức thanh, kiểm tra định kỳ các đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên toàn tỉnh (ít nhất 1 lần/đại lý/năm). Ngoài ra, vào đầu vụ sản xuất, hoặc khi có phản ánh từ người dân và các đơn vị về chất lượng thuốc bảo vệ thực vật, chúng tôi cũng tổ chức thanh, kiểm tra đột xuất, hạn chế rủi ro cho nông dân trong sản xuất.”

Hàng năm, các đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh đều nhận được văn bản yêu cầu kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Riêng đối với các loại sản phẩm sử dụng trên rau, các đại lý phải ký cam kết đảm bảo trước cơ quan chức năng về xuất xứ, nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Đội ngũ kinh doanh các mặt hàng này cũng thường xuyên được tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về kinh doanh, buôn bán vật tư nông nghiệp.

Ông Lê Văn Hiếu, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Hiếu Loan, ở thị trấn Phước Dân ( Ninh Phước) cho biết: “Chúng tôi chỉ nhận về các sản phẩm của những công ty có uy tín trên thị trường, không bán các sản phẩm trôi nổi. Mặt hàng này khá đặc biệt, nên nếu có vấn đề gì không đảm bảo thì ảnh hưởng đến nhiều người nữa, mà nhất là nông dân.” Ông Hiếu cũng cho biết thêm, đối với các sản phẩm mới, cửa hàng chỉ nhận một số ít rồi giới thiệu cho một số khách hàng có kinh nghiệm dùng thử và phản hồi thông tin cho đơn vị sản xuất. Động tác này vừa góp phần quản lý và cải thiện chất lượng sản phẩm, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng sản phẩm trong sản xuất.

Sự phối hợp của nông dân trong công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp đóng vai trò không nhỏ. Hơn ai hết, người nông dân nhận thức rất rõ chất lượng, hiệu quả của sản phẩm vật tư nông nghiệp trong quá trình sản xuất. Ông Huỳnh Văn Tĩnh, ở Phước Hữu (Ninh Phước), cho biết: “Để không mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tôi chọn mua phân, thuốc trừ sâu tại các đại lý có uy tín. Các anh khuyến nông, chủ đại lý, cán bộ bảo vệ thực vật, nhân viên công ty,… thường xuyên hướng dẫn chúng tôi cách sử dụng phân, thuốc theo phương pháp 4 đúng: "đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng cách, đúng thời gian". Cách nhận diện và xử lý khi nghi ngờ về chất lượng sản phẩm mình mua cũng được hướng dẫn rõ ràng, nông dân chúng tôi yên tâm sản xuất.”

Tăng cường công tác quản lý các sản phẩm nông, lâm, thủy sản sẽ góp phần đảm bảo chất lượng, độ an toàn cho sản phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Do vậy, để hướng đến một nền nông nghiệp sản xuất sạch, trong đó đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp không chỉ là trách nhiệm của ngành chức năng mà cả người nông dân.