(NTO) Đến Phước Thái (Ninh Phước) vào những ngày này, có thể thấy rõ màu xanh trải rộng khắp các cánh đồng lúa và dòng kênh Nam ăm ắp nước lượn lờ giữa đôi bờ. Dù nằm trong vùng bán khô hạn, ít mưa, nhiều nắng nhưng nhờ nguồn nước kênh Nam nên sản xuất nông nghiệp ở Phước Thái thường đạt năng suất, sản lượng cao.
Một góc làng Tà Dương (Phước Thái, Ninh Phước) nhìn từ bờ kênh Nam
Là miền quê lúa thanh bình, người dân cần cù chịu khó và có truyền thống hiếu học, Phước Thái đã có những yếu tố tương đối thuận lợi để bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phước Thái có tổng diện tích tự nhiên gần 11.890 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp có 1.548 ha, đất lâm nghiệp có trên 9.353 ha, còn lại là đất phi nông nghiệp. Hệ thống thủy lợi ở đây ngoài kênh Nam còn có hồ chứa nước Tà Ranh, kênh Chàm, 2 trạm bơm và hệ thống kênh cấp II, cấp III nội đồng được kiên cố hóa 40% giúp chủ động tưới cho đồng ruộng. Anh Lưu Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Phước Thái cho biết: “Trong những năm qua, Phước Thái đã được đầu tư xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng, bước đầu đã làm thay đổi bộ mặt đời sống nông thôn địa phương”. Điều này chúng tôi đã thấy rõ khi về Tà Dương, từ một xóm thôn nghèo nàn, Tà Dương hôm nay đã có 100% đường nội thôn được bê-tông, nhà cửa người dân khang trang hơn. Chị Hoàng Thị Phê, cư dân trong thôn nói: “Người dân Tà Dương bây giờ có điện, có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt chứ không còn như trước đâu”. Bộ mặt mới của nông thôn Phước Thái dần định hình, cùng với kết cấu hạ tầng giao thông do tỉnh đầu tư, Phước Thái đã thực hiện bê-tông hóa 30% và cấp phối nền đất 60% đường giao thông liên thôn. Hiện nay toàn xã có 85% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhiều công trình xây mới mọc lên như trường học và chợ thôn. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, phong trào học tập toàn dân tiếp tục đẩy mạnh.
Bước vào xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, Phước Thái đang tiến hành lập hồ sơ quy hoạch khu trung tâm hành chính xã, khảo sát điểm xây dựng khu dân cư mới ở thôn Thái Hòa. Về xây dựng cơ sở hạ tầng và sản xuất, xã đề xuất với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đầu tư kiên cố hóa kênh cấp III Tà Lăng dài 1000 m, quy hoạch vùng chuyên canh lúa giống nguyên chủng 100 ha; tham gia dự án cạnh tranh nông nghiệp liên minh sản xuất 79 ha lúa chất lượng cao. Về đào tạo, Phước Thái đã cử nhiều cán bộ tham gia các lớp tập huấn về triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới cũng đã được Phước Thái tích cực tổ chức. Nhìn chung, mọi công tác chuẩn bị đã được cấp ủy, chính quyền xã tập trung chỉ đạo quyết liệt.
Tuy nhiên, qua thực tế khảo sát nông thôn tại địa phương, Phước Thái mới đạt 7 tiêu chí so với 19 tiêu chí nông thôn mới. Trong những khó khăn lúng túng mà Phước Thái phải đối mặt, đáng chú ý là mục tiêu phải tăng thu nhập người dân lên gấp 4 lần và chuyển dịch cơ cấu lao động từ 70% nông nghiệp xuống còn 30% vào năm 2015. Ngay trong xây dựng hạ tầng, trừ các kênh mương có thể mở rộng theo yêu cầu dễ dàng, riêng việc làm đường giao thông nông thôn đảm bảo quy cách bề rộng 7 m đang là nỗi bức xúc lớn. Dù người dân đồng tình ủng hộ, sẵn sàng hiến đất cho việc mở rộng đường nhưng do vùng dân cư cũ thường có vật kiến trúc kiên cố, nhà cửa xây cất trên đất nên khó mà thực hiện. Nếu tính ra, Phước Thái có 40% tuyến đường thôn phải mở rộng và kiên cố hóa. Chị Đổng Thị Duyên Anh ở thôn Hoài Trung chia sẻ: “Vì lợi ích cộng đồng, chúng tôi tự nguyện hiến đất làm đường nhưng vật kiến trúc phải đền bù thỏa đáng”. Làm sao tăng thu nhập khi hầu hết nông dân sống bằng nghề trồng lúa, giải quyết việc làm sao đây ở một xã đơn thuần nông nghiệp, rồi lấy đâu kinh phí đền bù vật kiến trúc trên đất hiến làm đường. Đó thực sự là bài toán phải mất rất nhiều công sức tìm lời giải.
Anh Lưu Văn Thủy tâm sự: “ Trước viễn cảnh nông thôn mới văn minh hiện đại, không còn sự lựa chọn nào khác ngoài sự vào cuộc với quyết tâm cao, Phước Thái đang huy động tất cả mọi nguồn lực để tìm cách giải quyết”. Theo ghi nhận của chúng tôi, trước mắt xã chủ trương khôi phục, phát triển làng nghề đan gùi ở Tà Dương; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; tập trung đào tạo nghề cho thanh niên để tham gia vào thị trường lao động, giải quyết việc làm và chuyển dịch dần cơ cấu lao động. Đặc biệt là tăng cường công tác dân vận, tạo sự đồng thuận của người dân địa phương trong vấn đề giám sát, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bạch Thương