Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy rừng trên địa bàn tỉnh những năm gần đây được xác định là do sự bất cẩn của người dân khi phát dọn đốt rẫy chưa đúng cách dẫn đến cháy lan, một số người dân vào rừng sử dụng lửa không dập tắt nên gây ra cháy rừng. Để chủ động PCCR trong mùa khô năm nay, song song với việc tăng cường công tác tuần tra, ứng trực 24/24 giờ tại các cửa rừng để kịp thời ứng phó với các sự cố cháy rừng có thể xảy ra, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh còn chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật đốt dọn rẫy để nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho người dân.
Các thành viên Tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh (Ninh Phước) tuần tra bảo vệ rừng.
Vào cao điểm mùa khô, hơn 25.000 ha rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Tân Giang luôn nằm trong báo động cấp IV (cấp nguy hiểm). Đặc biệt, trong các diện tích đất rừng đơn vị đang quản lý có hơn 1.100 ha đất rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số nằm xen kẽ trong rừng, thêm vào đó mùa khô cũng là lúc bà con thường tiến hành dọn đốt để chuẩn bị vào vụ mới nên nguy cơ xảy ra cháy rừng càng tăng cao. Để chủ động ứng phó có hiệu quả trong công tác PCCR, trước mùa khô đơn vị đã tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân kỹ thuật tạo đường ranh cản lửa trước khi đốt rẫy, tránh trường hợp cháy lan vào rừng. Cách làm đã phát huy hiệu quả rất tốt trong việc hạn chế các sự cố cháy rừng xảy ra trong lâm phần của đơn vị quản lý.
Là một trong những người có đất rẫy nằm gần rừng, ông Mang Nhật, thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh (Ninh Phước) nắm rõ được quy cách phát dọn nương rẫy từ khi tham gia các buổi tuyên truyền của đơn vị chủ rừng. Ông Nhật cho biết: Trước khi đốt rẫy, tôi phát quang những đường ranh cản lửa quanh rẫy, đảm bảo lửa không cháy lan ra rừng. Thông qua các buổi tuyên truyền về PCCR, bà con đã biết cách dọn đường băng cản lửa để hạn chế cháy lan sang khu vực rừng khác. Ông Mang Bực, thôn Liên Sơn 2, xã Phước Vinh cho biết: Hiện nay, phần lớn người dân có đất rẫy gần với diện tích rừng tự nhiên đã cơ bản nắm rõ và thực hiện việc đốt, dọt rẫy vào mùa khô đúng quy định. Qua đó, đã góp phần rất lớn trong việc hạn chế phát sinh những điểm cháy, vụ cháy rừng.
Ông Lê Hữu Duy, Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Tân Giang cho biết: Để chủ động bảo vệ rừng trong mùa khô, từ đầu năm đến nay đơn vị đã phối hợp với các lực lượng, chính quyền địa phương tổ chức 6 đợt tuyên truyền về những quy định sử dụng lửa trong rừng, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ rừng và PCCR, các kỹ năng xử lý khi phát hiện đám cháy với hơn 240 lượt người tham gia. Ngoài ra, đơn vị còn cử người trực tiếp xuống hiện trường để hướng dẫn người dân cách phát dọn ranh đốt nương rẫy, cách dọn đường băng cản lửa, nên từ đầu mùa khô đến nay tại các lâm phần của đơn vị quản lý chỉ xảy ra 3 điểm cháy rừng chủ yếu là cháy lướt dưới mặt đất, chưa có vụ cháy nào gây ra thiệt hại đến các diện tích rừng.
Ông Lê Minh Sang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Hiện nay, mức cảnh báo cháy rừng toàn tỉnh đang ở cấp IV (cấp nguy hiểm), phần lớn các diện tích rừng có địa hình rất hiểm trở, trong khi phương tiện phục vụ cho công tác chữa cháy rừng còn hạn chế. Với phương châm phòng là chính, thì giải pháp hàng đầu là công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của bà con trong việc chấp hành các quy định về PCCR. Thời gian tới, Chi cục tập trung chỉ đạo các đơn vị chủ rừng theo dõi những vùng rừng có nguy cơ cháy rừng cao; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn bà con cách xử lý thực bì, kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sống ven rừng không đốt rẫy vào cao điểm mùa khô nhằm hạn chế thấp nhất những nguy cơ gây thiệt hại về rừng.
Tiến Mạnh