Chặng đường bứt phá với nhiều thành tựu đáng tự hào luôn có sự vào cuộc, đóng góp của HĐND tỉnh trong việc ban hành kịp thời các nghị quyết tạo đột phá cho phát triển, trong đó Nghị quyết số 74/NQ-HĐND ngày 10/12/2020 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh 5 năm 2021-2025 (Nghị quyết 74) là một trong những quyết sách chiến lược mở đường cho phát triển.
Để sớm đưa Nghị quyết 74 vào cuộc sống, ngay khi nghị quyết được ban hành, UBND tỉnh đã cụ thể hóa thành các kế hoạch, đề án, chương trình công tác trọng tâm hằng năm, phân công từng ngành, từng cấp triển khai thực hiện. Qua đó, nâng cao năng lực lãnh đạo và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện nghị quyết.
Qua 3 năm thực hiện, đối chiếu với các mục tiêu theo Nghị quyết 74 đề ra, đến ngay cơ bản hoàn thành. Cơ cấu lại nền kinh tế bước đầu đạt kết quả tích cực, chuyển dịch đúng hướng, phát huy lợi thế từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng, giảm dần tỷ trọng ngành Nông nghiệp và nâng cao tỷ trọng ngành Công nghiệp. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng từ 34,1% năm 2020 lên 39,6% năm 2023; nông, lâm nghiệp và thủy sản từ 31,5% giảm còn 27,8% và dịch vụ chiếm 32,6% cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Đô thị Phan Rang - Tháp Chàm ngày càng văn minh, hiện đại. Ảnh: P.N
Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch trong sản xuất đã từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng sản phẩm hàng hóa, tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 33% trong tăng trưởng GRDP của tỉnh. Các tiềm năng và lợi thế được nhận diện và khai thác hiệu quả, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư chiến lược, huy động được nhiều nguồn vốn xã hội cho đầu tư phát triển. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 3 năm (2020-2023) ước đạt 72.725 tỷ đồng, đạt 69,3% mục tiêu nghị quyết.
Kinh tế biển và năng lượng tái tạo đã trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng quy mô nền kinh tế, gấp 1,5 lần so năm 2020, bằng 78,9% mục tiêu đề ra. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 77,7 triệu đồng, cao hơn mức GRDP bình quân của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, rút ngắn nhanh khoảng cách chênh lệch so với cả nước. GRDP bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh năm 2020 đạt 59,1 triệu đồng bằng 71,7% cả nước, đến năm 2023 đạt 88,5 triệu đồng bằng 85% cả nước.
Một góc Khu du lịch biển Bình Sơn - Ninh Chữ. Ảnh: B.H
Chủ trương cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu được tập trung triển khai đạt kết quả tích cực. Ngành Nông nghiệp đã có bước phát triển ổn định và khá toàn diện, luôn là bệ đỡ của nền kinh tế khi gặp khó khăn. Giá trị sản xuất toàn ngành đến cuối năm 2023 đạt hơn 13.576 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,12%/năm, giá trị tăng thêm đạt 5,3%/năm, vượt mục tiêu đề ra 1,3%.
Chủ trương phát triển công nghiệp trở thành đòn bẩy để phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ khác được tập trung triển khai, đạt kết quả tích cực; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 15,07%/năm (mục tiêu 17-18%); quy mô ngành Công nghiệp tăng nhanh, tạo động lực để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của tỉnh; giá trị sản xuất năm 2023 đạt hơn 13.880 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2020, chiếm tỷ trọng 28,18% GRDP và đóng góp 3,01% cho tăng trưởng chung của tỉnh; giải quyết việc làm cho trên 27.300 lao động, tăng 32,6% so với năm 2020, năng suất lao động bình quân tăng 8,45%/năm.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Co.opmart Thanh Hà. Ảnh: V.M
Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được tập trung đầu tư và đẩy nhanh tiến độ; tỷ lệ lấp đầy bình quân 25,84%, tạo việc làm ổn định cho khoảng 6.526 lao động. Các dự án động lực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và dự án thủy điện tích năng Bác Ái được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ. Chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước được tập trung cụ thể hóa theo Nghị quyết số 65/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh đạt kết quả tích cực, tiếp tục khẳng định là động lực cho tăng trưởng kinh tế tỉnh, chiếm tỷ trọng 22,2% GRDP của tỉnh, đóng góp 23,5% tổng thu ngân sách, giải quyết việc làm khoảng 4.150 lao động. Đến đầu năm 2024, có 58 dự án năng lượng hoàn thành đưa vào vận hành với tổng công suất 3.870,2MW, đạt 59,5% mục tiêu đến năm 2025, tạo ra sản lượng điện trên 7,6 tỷ kWh, tăng 65,2% so với năm 2020, chiếm trên 16,5% tổng sản lượng các nguồn năng lượng tái tạo cả nước. Kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết 74 đã thể hiện khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh
Anh Tùng