Trở lại huyện Ninh Phước trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi ghi nhận diện mạo quê hương đang ngày càng đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương được nâng lên rõ rệt. Đồng chí Ngô Khánh, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước nhìn nhận: Ngày đầu tái lập tỉnh Ninh Thuận (tháng 4/1992), huyện Ninh Phước đối mặt với nhiều khó khăn, quy mô và trình độ sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu. Để tạo bứt phá vươn lên, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện qua các thời kỳ, huyện khắc phục khó khăn, tập trung xây dựng kế hoạch phát triển cho từng giai đoạn, đầu tư kết cấu hạ tầng để từng bước tháo gỡ khó khăn, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Trải qua 32 năm xây dựng và phát triển, phát huy truyền thống quê hương anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ninh Phước luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Trung tâm huyện Ninh Phước. Ảnh: B.H
Với lợi thế về phát triển nông nghiệp, huyện đã triển khai nhiều mô hình sản xuất hiệu quả gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm như: Mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa với tổng diện tích 4.200ha; mô hình trồng nho, táo, măng tây xanh theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình tưới nước tiết kiệm sản xuất rau an toàn; mô hình bao lưới chống ruồi vàng trên cây táo... Huyện đã phát triển các sản phẩm đặc thù chế biến từ nho, táo, măng tây xanh và thịt cừu. Một số sản phẩm đặc thù của huyện từng bước được người tiêu dùng tin tưởng, như: Vang nho, nho, táo sấy, mật nho... Từ những mô hình trên đã tạo “nền móng” quan trọng để phát triển nông nghiêp công nghệ cao (CNC), có năng suất, chất lượng và sản phẩm có khả năng cạnh trên thị trường. Ngoài ra, huyện xây dựng được 34 sản phẩm OCOP.
Đến Ninh Phước hôm nay, có thể cảm nhận được sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Huyện tận dụng tối đa lợi thế của địa phương để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đến nay, toàn huyện có 13 dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất 489,221MW đã đi vào hoạt động và 2 dự án công suất 150MW đang triển khai xây dựng. Ở lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở xã An Hải như một hình mẫu về nông nghiệp CNC; xây dựng được 8 mã vùng trồng với diện tích trên 76ha và vùng sản xuất rau ứng dụng CNC An Hải 130ha; xây dựng vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng CNC An Hải 168ha và kêu gọi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tôm giống chất lượng cao tại xã An Hải.
Nông dân Ninh Phước thu hoạch lúa.
Phát huy những thành tựu đã đạt được, trong thời gian tới, huyện Ninh Phước đặt mục tiêu tiếp tục tập trung thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của huyện, lấy nông nghiệp CNC và năng lượng tái tạo là động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Tập trung quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khi hậu; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới và thực hiện lộ trình xây dựng thị trấn Phước Dân đạt chuẩn đô thị loại IV.
Đồng chí Ngô Khánh, cho biết thêm: Từ định hướng phát triển nông nghiệp CNC giai đoạn 2021-2025, huyện tập trung hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC nhằm tăng năng suất, bảo đảm chất lượng và sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường; mở rộng các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2025 diện tích canh tác ứng dụng CNC 4.300ha, tăng 405ha so với năm 2020; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành bình quân hằng năm đạt 14%.
Tiến Mạnh