Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, cuộc sống của người dân Bác Ái gặp nhiều khó khăn, nhưng bà con một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước. Những người con ưu tú của quê hương Bác Ái như anh hùng Pi Năng Tắc, Pi Năng Thạnh, Chamaléa Châu... đã nghĩ ra cách làm bẫy đá, hầm chông chống giặc, phục kích bắn máy bay địch ghi được nhiều chiến công. Sau ngày quê hương được giải phóng, đất nước thống nhất, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với quyết tâm vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên toàn huyện đã không ngừng nỗ lực vượt khó, đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Nhờ đó, đời sống của bà con ngày càng khấm khá, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Trang trại hoa lan xã Phước Tiến (Bác Ái) được đầu tư sản xuất theo hướng
công nghệ cao. Ảnh: Hồng Lâm
Trên chặng đường phát triển của huyện Bác Ái, điểm nhấn đáng kể là từ khi tái lập huyện (năm 2001) đến nay có nhiều chuyển biến tích cực. Được sự hỗ trợ của trung ương, của tỉnh, cùng với sự chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, tinh thần và ý chí vươn lên của đồng bào các dân tộc, huyện Bác Ái đã có những bước chuyển mình, phát triển. Đồng chí Mẫu Thái Phương, Bí thư Huyện ủy Bác Ái, cho biết: Từ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, giúp huyện đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH. Đặc biệt, hệ thống giao thông hoàn chỉnh đóng vai trò quan trọng đối với sự bứt phá vươn lên của huyện. Trên địa bàn huyện có trên 40 đập dâng, ao, hồ chứa nước và hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, công trình hồ chứa nước Sông Sắt với dung tích 69 triệu m3 phát huy hiệu quả, đảm bảo nước tưới cho trên 1.800ha đất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Đặc biệt, hồ chứa nước Sông Cái với dung tích gần 220 triệu m3 hoàn thành đưa vào vận hành được xem là "trái tim" của hệ thống thủy lợi của tỉnh. Đây là dự án thủy lợi trọng điểm, đa mục tiêu, phục vụ sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, huyện Bác Ái đã triển khai nhiều dự án nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Đến nay, huyện đã quy hoạch 3 vùng phát triển nông nghiệp CNC tại 3 xã: Phước Trung, Phước Tiến và Phước Thắng, thu hút được 5 doanh nghiệp đầu tư sản xuất với các loại cây trồng như: Mía, dưa lưới, dưa lê, rau sạch, bưởi da xanh, chuối già Nam Mỹ. Tận dụng lợi thế vùng núi, diện tích đất tự nhiên rộng, huyện Bác Ái đã tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh và triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án, xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa. Nhờ đó, giúp tổng đàn gia súc của huyện tăng nhanh qua từng năm. Đến nay, trên địa bàn huyện đã phát triển đàn gia súc trên 92.000 con; trong đó, trâu trên 1.100 con, bò trên 22.800 con, đàn dê, cừu trên 19.800 con, heo gần 48.500 con.
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua, huyện Bác Ái đã triển khai nhiều giải pháp thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh nhằm khơi dậy tiềm năng các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Qua đánh giá, phân loại xếp hạng, đến cuối năm 2022 toàn huyện có 6 sản phẩm OCOP/5 chủ thể được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao (rượu chuối mồ côi, bưởi da xanh, hạt chuối cô đơn, dưa lưới SunFarm, hạt điều Chapi, gạo Phước Chính).
Sản phẩm OCOP của huyện Bác Ái được khách hàng tin dùng. Ảnh: Văn Nỷ
Được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan đẹp cùng với bản sắc văn hóa của các dân tộc Raglai, Chu Ru,... huyện Bác Ái đang từng bước đưa ngành du lịch phát triển đúng tiềm năng, tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Trong đó, Đề án phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) trên địa bàn xã Phước Bình giai đoạn 2019-2022 bước đầu mang lại hiệu quả khả quan, du khách đến tham quan, trải nghiệm năm sau cao hơn năm trước, nâng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch trên địa bàn huyện tăng trưởng bình quân trên 10%/năm.
Tận dụng đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ quanh năm, gia đình anh Katơr Chinh ở thôn Hành Rạc 2 trồng gần 1ha bưởi da xanh, sầu riêng và đầu tư xây dựng nhà sàn kết hợp làm DLCĐ để phát triển kinh tế gia đình. Anh Chinh chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi trồng cây ăn quả chủ yếu bán cho thương lái là chính, từ ngày tỉnh, huyện, xã tuyên truyền, vận động bà con trồng cây ăn quả kết hợp làm DLCĐ để phát triển kinh tế nên tôi mạnh dạn thực hiện. Hiện nay, khách tham quan vườn trái cây của gia đình được trực tiếp hái và thưởng thức trái cây tại vườn, ngoài ra khách lưu trú nhà sàn được thưởng thức các sản vật của địa phương, nhờ đó giúp kinh tế gia đình tôi ngày càng phát triển.
Đồng chí Mẫu Thái Phương, Bí thư Huyện ủy Bác Ái, cho biết thêm: Phát huy những thành quả đã đạt được, trong giai đoạn tới, huyện tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để đưa Bác Ái phát triển nhanh và bền vững, trọng tâm là: Tăng cường đổi mới, tích cực phát huy nội lực, tranh thủ mọi nguồn lực xã hội, từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để đẩy mạnh phát triển KT-XH; lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững, các Chương trình 134, 135, 30a của Chính phủ. Tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp CNC trên địa bàn huyện; củng cố, xây dựng mối liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa dồi dào và chất lượng trên cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế về đất đai, lao động ở địa phương; hướng tới mục tiêu xây dựng quê hương Bác Ái ngày càng giàu đẹp, văn minh...
Kha Hân