Sau ngày miền Nam và tỉnh nhà được hoàn toàn giải phóng, tháng 5/1975 huyện Thuận Nam sáp nhập vào huyện An Phước theo nghị quyết của Chính phủ. Đến tháng 10/2009, huyện Thuận Nam được tái lập theo Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ. Những ngày đầu mới tái lập, địa phương đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi xuất phát điểm về kinh tế - xã hội (KT-XH) còn thấp; diện tích đất sản xuất không chủ động được nguồn nước tưới; các ngành công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển; đời sống nhân dân, nhất là vùng dân tộc miền núi còn rất nhiều khó khăn; tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ cấp huyện mới hình thành vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ...
Một góc xã Cà Ná hôm nay. Ảnh: V.Miên
Đồng chí Châu Thanh Hải, Bí thư Huyện ủy Thuận Nam, cho biết: Từ khi huyện nhà tái thành lập đến nay luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự hỗ tích cực của các sở, ban, ngành; cùng với tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đến nay, Thuận Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh được đảm bảo, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, ngày càng khẳng định và nâng cao vị thế “cửa ngõ” kinh tế phía Nam của tỉnh. Đáng kể, sau 3 năm lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III nhiệm kỳ 2020-2025, trong số 15 chỉ tiêu đặt ra, có 10 chỉ tiêu đạt và vượt; 3 chỉ tiêu đạt trên 75% và 2 chỉ tiêu đạt trên 70%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5.000 tỷ đồng, đạt 71,4% kế hoạch; thu ngân sách nhà nước 85,279 tỷ đồng đạt 96% dự toán HĐND huyện giao và đạt 102% dự toán tỉnh giao; thu nhập bình quân đầu người 40 triệu đồng/người/năm, đạt 101% so với kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo trong nửa nhiệm kỳ giảm 2,26%, vượt so với kế hoạch đề ra từ 1,2-1,5%.
Với mục tiêu đưa Thuận Nam trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên các nguồn lực phát triển, tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của trung ương và của tỉnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, triển khai nhiều giải pháp đột phá để phát triển các lĩnh vực trụ cột kinh tế của địa phương như công nghiệp, vận tải, năng lượng tái tạo. Đến nay, trên địa bàn huyện có 20 dự án năng lượng tái tạo (trong đó có 15 dự án điện mặt trời và 5 dự án điện gió) đã hoàn thành và phát điện với tổng công suất 1.511MW. Dự án cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 đã được đưa vào vận hành với tải trọng lên đến 100.000DWT. Trên địa bàn huyện còn có các dự án trọng điểm mang tính chiến lược đang trong giai đoạn thi công như: Dự án đường Văn Lâm - Sơn Hải với tổng mức đầu tư 372,5 tỷ đồng, chiều dài 13,077km (đạt 85% khối lượng); Dự án đường nối cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và cảng biển tổng hợp Cà Ná tổng mức đầu tư 903 tỷ đồng, chiều dài 14,7km; Dự án Khu đô thị Đầm Cà Ná có tổng diện tích 64,46ha, tổng mức đầu tư khoảng 4.490,85 tỷ đồng. Khu công nghiệp Cà Ná diện tích 827ha thu hút các nhà đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, chế biến công nghiệp - thủy sản, vận tải biển, định hình và phát triển trung tâm logistics đang trong giai đoạn triển khai.
Năng lượng điện gió. Ảnh: V.Nỷ
Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp, năng lượng tái tạo, sản xuất nông, lâm, thủy sản của huyện cũng được duy trì phát triển, ngày càng ứng dụng công nghệ cao với tổng sản lượng hằng năm đều vượt trên 10% so với cùng kỳ, thúc đẩy nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần đẩy mạnh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, đưa Thuận Nam ngày càng tiệm cận với mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2025.
Đồng chí Bí thư Huyện ủy cho biết thêm: Năm 2024 có ý nghĩa là năm “tăng tốc” để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025. Bám sát những mục tiêu đã xác định, Huyện ủy đề ra nhiệm vụ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển KT-XH nhanh và bền vững, xác định kinh tế biển là động lực, công nghiệp năng lượng là thế mạnh, tạo môi trường thuận lợi để huy động các thành phần kinh tế, các nguồn lực đầu tư thực hiện có hiệu quả các dự án, công trình, phấn đấu xây dựng Thuận Nam trở thành huyện trọng điểm kinh tế phía Nam của tỉnh. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, y tế, văn hóa, công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở gắn với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, huy động sức dân tham gia xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển.
Diễm My