* Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trên lĩnh vực thương mại-dịch vụ, Thành ủy Phan Rang-Tháp Chàm tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, các siêu thị và trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm..., hệ thống chợ phát triển theo quy hoạch được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới theo hướng xã hội hóa. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có trên 58.114 lao động đang làm việc trong ngành thương mại- dịch vụ chiếm 62,5% trong tổng số lao động trên các lĩnh vực. Đầu tư phát triển trung tâm thương mại - siêu thị ngày càng phát triển về quy mô và hoạt động ổn định.
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị winmart (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Văn Nỷ
Các siêu thị và các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn đã góp phần quan trọng trong việc quản lý, bình ổn giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Nhân dân. Tính đến nay trên địa bàn thành phố có 6 siêu thị tổng hợp, chuyên doanh; 10 siêu thị mini và 6 cửa hàng tiện lợi. Hệ thống chợ phát triển theo quy hoạch, mạng lưới các chợ, siêu thị được nhà nước và các thành phần kinh tế quan tâm đầu tư nâng cấp và xây dựng mới đáp ưng nhu cầu mua sắm của Nhân dân.
* Với mục tiêu phát triển thủy sản gắn khai thác với bảo vệ tài nguyên môi trường và bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo, Thành ủy Phan Rang-Tháp Chàm đã tập trung chỉ đạo phát triển ngành Thủy sản. Tổng sản lượng thủy sản khai thác giai đoạn 2021-2023 đạt khoảng 39.000 tấn, tăng bình quân 5,6%/năm (đạt 81,6% Nghị quyết nhiệm kỳ), chiếm 2,7% trong cơ cấu kinh tế.
Người dân mua bán hải sản tại Cảng cá Đông Hải (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm). Ảnh: Văn Nỷ
Về nuôi trồng thủy sản thực hiện khoảng 20 ha tôm thẻ, năng suất bình quân đạt 12,4 tấn/ha. Xuất khẩu ngành thủy hải sản duy trì ổn định, giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 95,8 triệu USD. Mạng lưới dịch vụ hậu cần nghề cá có bước phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động các địa phương ven biển. Năng lực khai thác được đầu tư theo chiều sâu, tăng số tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại có khả năng khai thác dài ngày trên biển. Sản lượng khai thác hàng năm đạt khoảng 12.000-14.000 tấn thủy sản các loại; đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp sinh thái; tăng cường kiểm soát dịch bệnh, dư lượng kháng sinh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phát triển và khai thác nguồn lợi thủy sản bền vững, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế; nâng cao hiệu quả khai thác hải sản vùng “biển xa” gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia; kiên quyết khắc phục tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp.
Xuân Bính