PHÂN VÙNG TÀI NGUYÊN NƯỚC
Vùng I (khu vực đồi núi phía Bắc): Gồm toàn bộ địa giới hành chính của huyện Ninh Sơn và huyện Bác Ái; trong vùng được chia ra thành 4 tiểu vùng, gồm: Tiểu vùng lưu vực Sông Sắt - Trà Co; tiểu vùng lưu vực Sông Ông và thượng nguồn Sông Cái; tiểu vùng lưu vực Cho Mo - Suối Ngang; tiểu vùng lưu vực Sông Than.
Vùng II (khu vực phía Bắc Sông Cái): Gồm toàn bộ địa giới hành chính của huyện Thuận Bắc, huyện Ninh Hải và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm; trong vùng được chia ra thành 2 tiểu vùng, gồm: Tiểu vùng Sông Trâu, các lưu vực sông đổ ra Đầm Nại và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm; tiểu vùng lưu vực sông suối ven biển.
Vùng III (khu vực phía Nam Sông Cái): Gồm toàn bộ địa giới hành chính của huyện Ninh phước và huyện Thuận Nam; trong vùng được chia ra thành 3 tiểu vùng, gồm: Tiểu vùng lưu vực Sông Quao; tiểu vùng lưu vực Sông Lu; tiểu vùng lưu vực sông suối ven biển.
PHÂN BỔ TÀI NGUYÊN NƯỚC
Thứ tự ưu tiên phân bổ nguồn nước cho các đối tượng sử dụng nước trong kỳ quy hoạch được sắp xếp từ cao đến thấp như sau: Sinh hoạt; công nghiệp; du lịch, dịch vụ; nông nghiệp; thủy sản. Trong điều kiện bình thường: Nguồn nước đủ đáp ứng việc phân bổ đảm bảo 100% nhu cầu dùng nước; ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, an sinh xã hội, các ngành sản xuất có giá trị cao. Trong trường hợp hạn hán, thiếu nước: Tỷ lệ phân bổ cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước là sinh hoạt 100%, công nghiệp 90%, du lịch - dịch vụ 85%, nông nghiệp 80%, thủy sản 75%.
Hồ Trà Co (Bác Ái). Ảnh: V.Nỷ
BẢO VỆ TÀI NGUYÊN NƯỚC
Quản lý, phân bổ nguồn nước đảm bảo hài hòa, hợp lý giữa các ngành, tổ chức, cá nhân dùng nước, cấp đủ nước cho các ngành kinh tế, ưu tiên nước cấp cho sinh hoạt, các ngành sản xuất có giá trị cao; bảo vệ tài nguyên nước không bị ô nhiễm, suy thoái cạn kiệt, bảo vệ chức năng nguồn nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhằm đảm bảo an ninh lâu dài về tài nguyên nước, góp phần thúc đẩy, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận.
PHÒNG, CHỐNG VÀ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TÁC HẠI DO NƯỚC GÂY RA
Xây dựng, nâng cấp hệ thống mạng lưới quan trắc giám sát chất lượng nguồn nước. Tăng cường trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn; xây dựng đê, tường chắn lũ quét, hồ chứa điều tiết lũ để phòng, chống, giảm thiểu tác hại do lũ gây ra tại vùng thượng lưu, hạ lưu các sông. Nâng cấp và hoàn thiện đầu tư xây dựng hệ thống đập ngăn mặn, các công trình khai thác, sử dụng nước đảm bảo công suất; tăng cường diện tích trồng rừng, đặc biệt chú trọng bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ và nâng cao chất lượng rừng nhằm phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Đầu tư xây dựng nhà máy, trạm xử lý nước thải, hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt và công nghiệp.
TS