Thuận Nam hướng tới phát triển nghề cá bền vững

Huyện Thuận Nam có bờ biển dài 38km, có cảng cá và bến cá để phát triển nghề khai thác hải sản (KTHS), những năm qua, địa phương đã vận động ngư dân đầu tư cải hoán, nâng cấp tàu công suất lớn, trang bị phương tiện hiện đại phục vụ khai thác, đánh bắt xa bờ, nâng cao đời sống ngư dân.

Toàn Thuận Nam có 914 tàu thuyền đang hoạt động, với tổng công suất 246.000CV, trong đó có 432 chiếc tàu dài từ 15m trở lên khai thác vùng khơi. Để khai thác tiềm năng lợi thế kinh tế biển, những năm qua, huyện đã tập trung vận động ngư dân cải hoán, nâng cấp tàu thuyền; phối hợp với ngành thủy sản mở các lớp tập huấn cho hàng trăm lượt ngư dân, giúp ngư dân nâng cao tay nghề và có điều kiện pháp lý trong việc hành nghề KTHS; vận động ngư dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và trang bị các thiết bị hiện đại để vươn khơi đánh bắt hải sản. Huyện còn vận động ngư dân nhân rộng mô hình đánh bắt hiệu quả kết hợp KTHS với mở rộng chế biến, dịch vụ hậu cần, nhằm hướng tới phát triển nghề cá theo chuỗi giá trị trong khai thác và chế biến hải sản. Ngoài ra, còn vận đông ngư dân thành lập 106 tổ, đội đoàn kết đánh bắt trên biển để hỗ trợ nhau trong quá trình KTHS; tuyên truyền cho ngư dân về các quy định đánh bắt hải sản trên biển... Qua đó, góp phần vào nâng cao hiệu quả khai thác, tăng thu nhập cho ngư dân cũng như khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Nhờ năng lực tàu thuyền ngày càng phát triển, nên sản lượng khai thác đánh bắt hải sản của huyện hằng năm tăng khá. Trong năm 2023, sản lượng khai thác đạt 83.488 tấn cá các loại; riêng 3 tháng đầu năm 2024 sản lượng khai thác đạt 16.585 tấn cá các loại.

Ngư dân xã Cà Ná (Thuận Nam) đầu tư tàu công suất lớn vươn khơi bám biển. Ảnh: V.Nỷ

Cà Ná là xã ven biển của huyện Thuận Nam, có cảng cá thuận lợi để phát triển nghề khai thác và chế biến hải sản. Hiện nay, toàn xã có 317 tàu thuyền với 74.183 CV, trong đó có 80 tàu thuyền chiều dài 15m trở lên đánh bắt xa bờ. Ông Nguyễn Duy Lân, Phó Chủ tịch UBND xã Cà Ná cho biết: Để giúp ngư dân địa phương vươn khơi KTHS, những năm qua, xã đã vận động ngư dân đầu tư đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu thuyền công suất lớn, trang bị phương tiện hiện đại phục vụ khai thác, đánh bắt xa bờ; vận động ngư dân thành lập được 37 tổ, đội đoàn kết và 1 nghiệp đoàn nghề cá hoạt động cùng nghề, cùng ngư trường, hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động trên biển, tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Bên cạnh đó, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đảm bảo an toàn cho ngư dân trong quá trình KTHS trên biển, xã còn phối hợp với đồn biên phòng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các chủ tàu cá không tàng trữ chất nổ, vật liệu nổ và các hình thức KTHS mang tính hủy diệt nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Qua đó, góp phần vào nâng cao hiệu quả khai thác, tăng thu nhập cho ngư dân.

Gần 40 năm vươn khơi, bám biển hành nghề KTHS ông Nguyễn Văn Minh, thôn Lạc Sơn 1, xã Cà Ná cho biết: Trước đây, gia đình chủ yếu đánh bắt gần bờ, mặc dù sản lượng đánh bắt được nhiều những giá trị kinh tế lại không cao, nên thu nhập không ổn đinh. Khi có chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt vùng biển xa, gia đình đã đóng 2 chiếc tàu công suất lớn, đầu tư trang thiết bị hiện đại để vươn khơi ra các ngư trường vùng xa đánh bắt hải sản. Nhờ đó, mỗi chuyến biển đánh bắt được khoảng 5-6 tấn hải sản có giá trị cao, nên mỗi năm gia đình có thu nhập ổn định trên 1,5 tỷ đồng.

Hoạt động thu mua hải sản tại Cảng cá Cà Ná (Thuận Nam).

Ngư dân Nguyễn Xuân Sanh, thôn Lạc Sơn 1, xã Cà Ná cho biết: Để mỗi chuyển ra khơi đem lại hiệu quả cao, ngoài việc đầu tư tàu công suất lớn thì chúng tôi còn tham gia tổ, đội đoàn kết trên biển để chia sẻ thông tin, hỗ trợ lẫn nhau tìm kiếm ngư trường đánh bắt, khai thác. Bởi mỗi chuyến đi đánh bắt xa bờ thường kéo dài 15 ngày, nên cần có sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong khai thác cũng như khi có sự cố xảy ra trên biển. Qua đó, giúp ngư dân yên tâm bám biển vươn khơi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Đồng chí Đinh Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: Thời gian tới, huyện tập trung xây dựng và phát triển nghề cá theo hướng hiện đại để khai thác xa bờ với các ngành nghề lưới vây, nghề chụp, nghề câu; triển khai các chính sách phát triển kinh tế biển tới ngư dân; hỗ trợ ngư dân cải hoán, nâng cấp tàu thuyền công suất lớn để vươn khơi; hỗ trợ các chủ tàu cá đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao năng lực KTHS có giá trị kinh tế cao. Cùng với đó, duy trì, nâng cao chất lượng các tổ, đội đoàn kết trên biển, nghiệp đoàn nghề cá và các mô hình khai thác đánh bắt hải sản hiệu quả trên biển; chú trọng hỗ trợ ngư dân đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực sản xuất trên biển có chất lượng cao; tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn để đầu tư cải hoán, nâng cấp tàu thuyền công suất lớn để vươn khơi, bám biển... Qua đó, giúp ngư dân nâng cao thu nhập, góp phần vào sự phát triển kinh tế địa phương, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.