PHÂN BỔ VÀ KHOANH VÙNG ĐẤT ĐAI
Nguồn lực đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hóa, hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế, được quy hoạch sử dụng hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm, bền vững với tầm nhìn dài hạn; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển giáo dục, văn hóa, thể thao; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh. Đảm bảo việc bố trí sử dụng đất (SDĐ) hợp lý trên cơ sở cân đối nhu cầu SDĐ của các ngành, lĩnh vực phù hợp với chỉ tiêu Quy hoạch SDĐ quốc gia thời kỳ 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ.
Đến năm 2030, tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh Ninh Thuận là 335.534ha; trong đó: Đất nông nghiệp khoảng 281.679ha; đất phi nông nghiệp khoảng 50.324ha; đất chưa sử dụng còn 3.531ha. Thực hiện thu hồi khoảng 16.959ha; trong đó: Khoảng 12.163ha đất nông nghiệp và khoảng 4.796ha đất phi nông nghiệp. Chuyển mục đích sử dụng khoảng 13.464ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng là 5.468ha, trong đó chuyển vào mục đích nông nghiệp là 4.258ha; chuyển vào mục đích phi nông nghiệp là 1.210ha.
UBND tỉnh Ninh Thuận có trách nhiệm xây dựng kế hoạch SDĐ cấp tỉnh, quy hoạch và kế hoạch SDĐ cấp huyện phù hợp với phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất trong quy hoạch tỉnh để làm căn cứ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Luật Đất đai.
PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG LIÊN HUYỆN, VÙNG HUYỆN
Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện
Vùng Tp. Phan Rang - Tháp Chàm và phụ cận: Là vùng đô thị hóa trọng điểm của tỉnh, ưu tiên phát triển đô thị theo hướng khai thác tối đa lợi thế gắn kết với các đầu mối giao thông liên vùng và sân bay Thành Sơn.
Cơ sở hạ tầng Tp.Phan Rang-Tháp Chàm được đầu tư theo hướng hiện đại. Ảnh: Văn Nỷ
Vùng liên huyện Thuận Bắc - Ninh Hải: Là vùng cửa ngõ kết nối với tỉnh Khánh Hòa, phát triển dịch vụ, công nghiệp, du lịch (DL), là vùng DL trọng điểm phía Bắc của tỉnh, đặc biệt là khu vực Bình Tiên, Vĩnh Hy, phát triển bền vững gắn với bảo tồn phát huy giá trị Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa;
Vùng liên huyện Ninh Phước - Thuận Nam: Là vùng kinh tế động lực của tỉnh, hình thành khu kinh tế ven biển phía Nam của tỉnh khi đủ điều kiện, phát triển trọng tâm là công nghiệp, logistic và cảng biển, ưu tiên phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo, dịch vụ cảng, công nghiệp thân thiện môi trường, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nuôi tôm giống; là vùng DL trọng điểm phía Nam của tỉnh, phát triển DL khác biệt, DL trải nghiệm, chất lượng cao.
Vùng liên huyện Ninh Sơn- Bác Ái: Là vùng phát triển nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thương mại dịch vụ, năng lượng và DL sinh thái, nhà vườn, DL trải nghiệm, DL văn hóa gắn với khu bảo tồn không gian văn hóa người Raglai.
Phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện
Vùng huyện Thuận Bắc: Là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, giáp với tỉnh Khánh Hòa, là vùng có đa dạng sinh học cao với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa, là trung tâm công nghiệp, năng lượng tái tạo và DL dịch vụ phía Bắc của tỉnh; là vùng phát triển kinh tế biển, kinh tế đô thị, phát triển đa ngành gồm công nghiệp, năng lượng tái tạo, thương mại, dịch vụ, DL, khai thác lợi thế giao thông kết nối với đường cao tốc Bắc - Nam.
Vùng huyện Ninh Hải: Là vùng có đa dạng sinh học cao với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa, Khu dự trữ thiên nhiên Đầm Nại, rùa biển, rạn san hô; là trung tâm DL biển, dịch vụ DL biển phía Bắc của tỉnh; là vùng phát triển kinh tế biển, kinh tế đô thị, vùng phát triển đa ngành, gồm năng lượng tái tạo, DL, dịch vụ, thương mại, dịch vụ hậu cần nghề cá, tôm giống, nông nghiệp.
Thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải). Ảnh: T.D
Vùng huyện Ninh Sơn: Là cửa ngõ phía Tây Bắc của tỉnh, giáp với tỉnh Lâm Đồng kết nối Quốc lộ 27, đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt; là vùng phát triển kinh tế đô thị, vùng phát triển đa ngành gồm công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung, thương mại dịch vụ, DL sinh thái rừng - đèo - thác, văn hóa, nghỉ dưỡng chữa bệnh gắn với bảo vệ tài nguyên cảnh quan tự nhiên, phát triển các mô hình nông nghiệp gắn với DL, DL cộng đồng.
Vùng huyện Bác Ái: Là vùng có đa dạng sinh học cao với Vườn quốc gia Phước Bình; là vùng phát triển đa ngành gồm lâm nghiệp, nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng, năng lượng tái tạo, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; là trung tâm DL sinh thái, có cảnh quan môi trường rừng, hồ, hấp dẫn với không gian bảo tồn văn hóa truyền thống.
Vùng huyện Ninh Phước: Là trung tâm DL văn hóa, làng nghề truyền thống Chăm và trung tâm giống thủy sản quy mô lớn của cả nước, là vùng phát triển kinh tế đô thị, vùng phát triển đa ngành gồm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo, sản xuất tôm giống, nghiên cứu cây trồng vật nuôi và thủy sản.
Vùng huyện Thuận Nam: Là cửa ngõ phía Nam của tỉnh, giáp với tỉnh Bình Thuận, là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Ninh Thuận; là trung tâm công nghiệp, năng lượng và năng lượng tái tạo, cảng biển nước sâu Cà Ná, trung tâm logistic khai thác lợi thế nút giao với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông; là trung tâm DL phía Nam của tỉnh với các đặc trưng DL sinh thái biển, rừng, cồn cát; là vùng phát triển đa ngành gồm công nghiệp, cảng biển, dịch vụ DL, thương mại dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
TS