* Thực hiện Nghị quyết 115/NQ-CP về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển KT-XH, ổn định sản xuất, đời sống Nhân dân giai đoạn 2018-2023, Chính phủ đồng ý chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước và đồng ý cho Tỉnh được thụ hưởng chính sách giá điện quy mô công suất điện mặt trời 2.000 MW đến hết năm 2020 (theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định 13/2020/QĐ-TTg), thuận lợi trong thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư phát triển điện năng lượng tái tạo, đến cuối năm 2023 trên địa bàn tỉnh có 56 dự án năng lượng với tổng công suất 3.366,9 MW hòa lưới điện Quốc gia, phát điện trên 7,7 tỷ kWh đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, là tỉnh có quy mô công suất năng lượng tái tạo lớn nhất cả nước.
Năng lượng điện gió được đầu tư tại xã Phước Dinh (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ
Thủ tướng Chính phủ bổ sung Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 công suất 1.500MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh và Quy hoạch điện VIII, đồng thời bổ sung một số nguồn điện tiềm năng như thủy điện tích năng, điện mặt trời tự sản tự tiêu, điện gió bờ, điện gió ngoài khơi vào Quy hoạch điện VIII. Qua đó, từng bước hình thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo tinh thần Nghị quyết 115 của Chính phủ và Nghị quyết 20-NQ/TU của Tỉnh ủy.
* Về đầu tư hạ tầng truyền tải điện, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách Nhà nước còn khó khăn, để đầu tư các công trình truyền tải điện giải phóng công suất 2.000 MW điện mặt trời, Tỉnh đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ cho phép huy động tư nhân đầu tư hạ tầng truyền tải theo tinh thần Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, đã đầu tư hoàn thành Nhà máy điện mặt trời quy mô công suất 450MW kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV, góp phần giải tỏa tổng quy mô công suất 1.800MW.
Hạ tầng truyền tải điện của TrungNam Group tại xã Phước Minh (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ
Đồng thời, những năm qua có nhiều công trình hạ tầng truyền tải khác do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư hoàn thành, như: Công trình nâng công suất TBA 220KV Tháp Chàm, tuyến đường dây 220KV Nha Trang-Tháp Chàm; TBA 500/220Kv Thuận Nam và đường dây đấu nối; đường dây 500Kv mạch kép Thuận Nam-Chơn Thành; đường dây 220Kv mạch kép Ninh Phước-Vĩnh Tân và đường dây 220Kv mạch kép Ninh Phước-500Kv Thuận Nam; Treo dây mạch 2 đường dây 220Kv Nha Trang-Tháp Chàm; TBA 220Kv Ninh Phước và đấu nối…, do đó, các dự án đều đảm bảo lưới điện và đã khắc phục tình trạng giảm phát các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.
Xuân Bính