PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
Về phân vùng môi trường
Vùng bảo vệ nghiêm ngặt: Khu dân cư tập trung ở đô thị bao gồm: Các khu vực nội thành, nội thị thuộc Tp. Phan Rang - Tháp Chàm; các huyện: Bác Ái, Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Thuận Nam; nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt (theo phân vùng tài nguyên nước); Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa (Ninh Hải), trong đó có một phân khu bảo tồn sinh vật biển, bao gồm cả rạn san hô và bãi sinh sản của rùa biển đã được thành lập tại vùng biển Ninh Thuận tiếp giáp với VQG Núi Chúa; VQG Phước Bình (Bác Ái); Khu dự trữ thiên nhiên Đầm Nại.
Du khách tham quan Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Hải). Ảnh: V.Nỷ
Vùng hạn chế phát thải: Vùng đệm của các khu: VQG Núi Chúa (Ninh Hải) và VQG Phước Bình (Bác Ái); hành lang bảo vệ nguồn nước mặt của lưu vực Sông Sắt - Trà Co, lưu vực Sông Ông và thượng nguồn Sông Cái, lưu vực Cho Mo - Suối Ngang, lưu vực Sông Than, vùng Sông Trâu, các lưu vực sông đổ ra Đầm Nại và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, lưu vực sông suối ven biển, lưu vực Sông Quao, lưu vực Sông Lu; khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường như các khu du lịch (DL): (i) Không gian trung tâm - DL đô thị - di sản - nghỉ dưỡng biển - ẩm thực (tập trung vào khu vực Tp. Phan Rang - Tháp Chàm và phụ cận); (ii) Không gian phía Đông Bắc - DL sinh thái biển - rừng - nông nghiệp (tập trung vào khu vực Vĩnh Hy - Bình Tiên - Núi Chúa và Thái An); (iii) Không gian phía Đông Nam - DL nghỉ dưỡng và khám phá độc đáo cát - muối - biển (tập trung vào khu vực Cà Ná - Mũi Dinh có khu DL Cà Ná - Mũi Dinh, được xác định là khu DL quốc gia thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển DL Việt Nam đển năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030).
Vùng khác: Các vùng còn lại trên địa bàn tỉnh.
Về bảo tồn đa dạng sinh học
Đối với VQG Núi Chúa: Đẩy mạnh việc bảo tồn theo các quy định của UNESCO, triển khai đồng bộ các giải pháp về bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái rừng, biển cũng như các loài động vật, thực vật bản địa quý hiếm.
Đối với VQG Phước Bình: Có chức năng là bảo vệ, phát triển rừng; bảo tồn, phát huy các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, văn hóa, lịch sử, cảnh quan; nghiên cứu khoa học; cung ứng dịch vụ môi trường và giáo dục môi trường theo quy hoạch và quy định của pháp luật.
Đối với khu vực Đầm Nại: Là khu vực dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh, thuộc hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, phát triển phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn góp phần quan trọng bảo vệ đê đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đảm bảo sản xuất ổn định cho các diện tích kinh tế và đời sống của các hộ dân phía trong, đồng thời cũng tạo điều kiện để phát triển DL sinh thái, DL cộng đồng, DL trải nghiệm.
Đối với các khu vực nuôi trồng thủy sản: Duy trì và cải tạo nâng cao hiệu quả tại các khu dự trữ thiên nhiên Đầm Nại và các khu vực khác đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái.
Về quan trắc chất lượng môi trường
Phát triển cơ sở hạ tầng, thiết bị, mạng lưới quan trắc cho từng loại môi trường; xây dựng trạm quan trắc môi trường tự động, quan trắc môi trường nước và trạm quan trắc môi trường không khí. Đến năm 2030, có 42 trạm, điểm quan trắc môi trường nước mặt; 35 điểm quan trắc định kỳ môi trường dưới đất; có 32 trạm, điểm quan trắc môi trường không khí; 25 điểm quan trắc nước biển ven bờ.
Định hướng bảo vệ và phát triển rừng
Tăng diện tích rừng trồng, phục hồi và quản lý rừng bền vững. Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng tại các khu vực xung yếu ven biển, các khu rừng đầu nguồn, các hồ, đập thủy lợi. Nghiên cứu phục hồi rừng bằng các loài cây bản địa có giá trị, bổ sung loài mới vào các rừng tự nhiên ở các khu rừng phòng hộ, đặc dụng. Hạn chế khai thác gỗ và lâm sản khác, tăng cường tận thu các sản phẩm ngoài gỗ. Tăng cường phát triển rừng theo mô hình nông lâm kết hợp và trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Xây dựng cơ sở quy mô lớn để chế biến gỗ rừng trồng và lâm sản ngoài gỗ, ứng dụng công nghệ cao để sản phẩm có khả năng xuất khẩu.
Phát triển hệ thống đường lâm nghiệp gắn kết hiệu quả với tuyến đường phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng kết hợp phụ vụ du lịch sinh thái. Nâng cao năng lực, đầu tư đồng bộ và hiện đại hóa cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật thông tin ngành lâm nghiệp, đặc biệt là hạ tầng phục vụ quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng.
PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ, KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN
Về bảo vệ, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên
Thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, không làm ảnh hưởng tới cảnh quan trong các dự án khai thác, chế biến khoáng sản. Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với các loại khoáng sản gồm: Khoáng sản làm vật liệu san lấp; đá chẻ xây dựng; đá xây dựng; sét gạch ngói và cát xây dựng.
Khoanh định các khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản
Các khu vực cấm hoạt động khoáng sản, gồm: Khu vực đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được khoanh vùng bảo vệ; khu vực đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ hoặc đất quy hoạch trồng rừng phòng hộ, khu bảo tồn địa chất; khu vực đất quy hoạch dành cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc nếu tiến hành hoạt động khoáng sản có thể gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; đất do cơ sở tôn giáo sử dụng; đất thuộc hành lang hoặc phạm vi bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi, đê điều; hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, dẫn điện, xăng dầu, khí, thông tin liên lạc.
Khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, gồm: Các khu vực khi có yêu cầu về quốc phòng, an ninh; yêu cầu về bảo tồn thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh khi phát hiện trong quá trình thăm dò, khai thác khoáng sản và các khu vực phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai. Trên địa bàn tỉnh còn có 8 khu vực có tiềm năng lớn về khoáng sản đá chẻ và đá xây dựng tại các huyện: Ninh Hải (1 khu), Ninh Sơn (3 khu), Thuận Nam (3 khu), Ninh Phước (1 khu).
TS