Ba mươi sáu mùa xuân đã trôi qua kể từ ngày quê hương được giải phóng. Đất nước cũng đã chừng ấy năm xây dựng trong hoà bình. Cùng với thời gian, tuổi các mẹ lại nhiều thêm, mái đầu thêm bạc trắng, nhưng sự hy sinh mà các mẹ dành cho đất nước thì không thể nào quên.
(NTO) Trong những ngày tháng bảy thiêng liêng, chúng tôi đến thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Hồ Thị Mên, ở thôn Hiếu Thiện, xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam. Năm nay đã bước sang tuổi 99 nhưng Mẹ Mên vẫn còn khá khỏe mạnh và minh mẫn. Ngồi trên bậc thềm nhà, đôi bàn tay cần mẫn giã trầu Mẹ kể: Vợ chồng Mẹ hiếm muộn nên chỉ có một người con trai duy nhất là Nguyễn Phòng. Ngày biết tin con trai mình tham gia cách mạng lòng Mẹ vừa mừng lại vừa lo, nhưng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, Mẹ đã động viên anh Phòng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhưng không may năm 1968, trong một lần về công tác tại thôn Hiếu Thiện, anh Phòng bị địch phục kích và đã anh dũng hy sinh. Nỗi đau mất con chưa nguôi, thì ít lâu sau chồng Mẹ cũng bị địch bắt vì nghi ngờ có tham gia cách mạng. Chúng đem về Phan Rang tra tấn dã man cho đến ngày ông ốm liệt giường rồi mất.
Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Dọn cùng các cháu. Ảnh: Văn Miên
Gánh nặng gia đình lại càng đè nặng lên đôi vai Mẹ Mên khi hai người đàn ông yêu thương nhất trong đời đã ra đi để lại cho Mẹ ba đứa cháu nội còn nhỏ. Mắt Mẹ loà đi vì đã khóc nhiều, lưng Mẹ lại còng thêm vì phải bươn chải kiếm sống. Khó khăn thế, vất vả thế nhưng Mẹ vẫn sống và vượt qua, bởi Mẹ tin vào Đảng, vào cách mạng. Giờ đây, những đứa cháu nội đã trưởng thành, Mẹ mừng lắm bởi niềm tin của Mẹ vào Đảng, vào cách mạng trở thành hiện thực. Mẹ mong sao được sống lâu hơn để nhìn thấy xóm làng ngày càng phát triển, đời sống bà con ngày càng no ấm.
Trên đường trở về Phan Rang-Tháp Chàm, chúng tôi đến thăm Mẹ Nguyễn Thị Dọn, ở phường Phủ Hà. Sau chén trà mời khách, Mẹ kể: Năm 1954 giặc Mỹ và bọn tay sai không ngừng đàn áp nhân dân, chúng lập ấp chiến lược khắp nơi hòng thực hiện chính sách “tát nước bắt cá”, chia rẽ cách mạng với nhân dân. Trước tình cảnh đó, chồng Mẹ là ông Trần Dậu bảo mua sắm quần áo, chăn mùng để ông thoát ly lên núi làm cách mạng. Vào một chiều cuối năm 1967, trong một trận chống càn, chồng Mẹ đã hy sinh. Dằn nỗi đau vào lòng, Mẹ lặng lẽ nuôi con với bao kỳ vọng! Noi gương cha, người con gái đầu của Mẹ là chị Trần Thị Tấn vừa tròn 17 tuổi cũng vào du kích để cầm súng giết giặc. Ngày ra đi mẹ dặn, hãy sống sao cho xứng đáng với tấm gương của cha, nhưng một lần nữa, Mẹ lại xé lòng khi biết tin chị Tấn đã hy sinh. Nén đau thương vào lòng, ba tháng sau Mẹ lại tiễn người con trai lớn của mình là anh Trần Đình Thế lên đường bổ sung vào lực lượng du kích địa phương. Bao tháng ngày lo lắng phấp phỏng, nửa mừng nửa lo. Mừng vì chiến tranh đang đi vào giai đoạn cuối, nhưng nỗi lo lại đến sớm. Tháng 8-1971, trong một trận càn của địch, chàng thanh niên du kích Trần Đình Thế đã anh dũng hy sinh. Chồng con đã mất, nhưng Mẹ vẫn tiếp tục hoạt động ở cơ sở, nuôi giấu cán bộ, tham gia tiếp tế lương thực cho cách mạng. Những hy sinh của Mẹ cũng đến ngày đơm hoa kết trái, máu những người thân của Mẹ đã góp phần tô thắm lá cờ Tổ quốc...
Còn nhiều, nhiều lắm những người Mẹ Việt Nam anh hùng đã hy sinh cuộc đời mình cho Tổ quốc, nhưng trong trang báo này chúng tôi không sao chuyển tải hết được những công lao to lớn ấy. Giờ đây, sống trong những ngôi nhà nghĩa tình do Nhà nước trao tặng, lòng các Mẹ cảm thấy ấm hơn. Các Mẹ bảo, giờ đây “con của các Mẹ” nhiều lắm, nào là các anh ở xã, ở huyện và trên tỉnh. Hàng năm vào dịp lễ, tết, mỗi khi ốm đau “các con Mẹ” đều đến thăm nom, chăm sóc...vậy là Mẹ đã thanh thản và yên vui với tuổi già. Ở tuổi “gần đất xa trời” nhưng các Mẹ vẫn tự hào về những người con của mình, sự hy sinh của các anh cùng đồng đội đã góp phần mang vinh quang về cho Tổ quốc. Xin thắp nén hương lòng ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ - những người đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
Văn Thanh