(NTO) Đến thăm gia đình ở thôn Văn Lâm 1, xã Phước Nam (Thuận Nam), đúng vào thời điểm bà con nơi đây đang háo hức đón Ramưwan. Thầy Mưm Từ Công Dư kể cho tôi những việc mà thầy đang gánh vác chiếm rất nhiều thời gian trong ngày.
Là người am hiểu phong tục tập quán ở địa phương, tác phong đạo đức tốt, gia đình mẫu mực, nên được các tín đồ tin tưởng bầu làm Phó Hội đồng. Dù làm phó, nhưng bao nhiêu công việc của Hội đồng đều đến tay thầy. Thầy thổ lộ: “Hội đồng trông coi hoạt động lễ giáo ở 7 thánh đường trên toàn tỉnh với hơn 30.000 tín đồ. Địa bàn rộng, để tạo sự gắn kết, thống nhất giữa các thánh đường, tôi đã đề xuất với Hội đồng xây dựng quy ước chung. Những phong tục truyền thống tốt đẹp thì cố gắng gìn giữ, những hủ tục lạc hậu thì bỏ”. Từ đề xuất của thầy mà hoạt động cưới xin, ma chay trong cộng đồng Hồi giáo Bàni được thực hiện theo nếp sống văn hóa mới.
Trước đây các đám hỏi vợ chồng thường tiệc tùng linh đình tốn kém tụ tập mỗi họ hàng trăm người, nay rút xuống chỉ còn trên dưới 20 người. Còn ma chay có gia đình để thi hài người quá cố trong nhà ba, bốn ngày vì quan niệm chờ ngày tốt, nay việc chôn cất chỉ thực hiện trong một ngày. Thầy cho biết: “Quan niệm cũ luôn ăn sâu trong mọi người, vì vậy khi Hội đồng chủ trương đổi mới gặp nhiều khó khăn, một số gia đình ban đầu không chấp thuận. Nhưng tôi và các thành viên trong Hội đồng kiên trì vận động, đến nay gia đình nào cũng thực hiện”. Đặc biệt, thầy tích cực vận động các tín đồ sống đoàn kết, tương thân tương ái; chấp hành các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong xây dựng khối đại đoàn kết. Việc làm của thầy đã góp phần giữ vững an ninh nông thôn, đưa đến cuộc sống bình yên cho mọi tín đồ.
Bên cạnh tích cực tham gia công tác của Hội đồng, thầy còn là tấm gương sáng trong làm kinh tế giỏi. Ngoài sản xuất 3 ha lúa, 1 ha hoa màu, thầy còn tổ chức chăn nuôi đàn bò 50 con, dê 30 con, tổng giá trị lên đến trên 500 triệu đồng. Hằng năm gia đình thầy thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi xấp xỉ trăm triệu đồng. Thầy đã mạnh dạn đầu tư số tiền 70 triệu đồng mua một máy cày lớn phục vụ làm đất, tuốt lúa, chuyên chở nông sản… Chính vì vậy, dù ngày mùa khan hiếm lao động nhưng cánh đồng lúa, hoa màu của gia đình thầy lúc nào cũng xuống giống, thu hoạch kịp thời vụ. Những phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ thầy tích lũy làm thức ăn dự phòng cho đàn gia súc.
Vừa qua, thầy vinh dự trúng cử đại biểu HĐND huyện Thuận Nam, khóa II. Việc nhà, việc xã hội tất bật hơn, nhưng thầy vẫn sắp xếp hợp lý để hoàn thành thật tốt.
Tuấn Anh