Nhằm giữ gìn và phát huy nghề đan lát của đồng bào Raglai sống trên địa bàn, cách đây gần 9 tháng, Hội Nông dân xã Phước Thắng thành lập Tổ hội nghề nghiệp đan lát chuyên sản xuất đồ dùng sinh hoạt hằng ngày, góp phần phát triển du lịch, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Ông Katơr Niêu ở thôn Ma Oai, xã Phước Thắng chia sẻ: Đan lát là nghề truyền thống của đồng bào Raglai có từ lâu đời và được lưu truyền cho đến ngày nay, gia đình tôi có 3 thế hệ cùng làm nghề này. Trước đây do chưa có Tổ hội nghề nghiệp đan lát nên sản phẩm của bà con làm ra như: Gùi, nia, đàn Chapi... chủ yếu là trao đổi với người dân trong thôn. Từ ngày thành lập tổ, sản phẩm làm ra bán được nhiều hơn, trung bình thu nhập từ nghề đan lát khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng/người, từ đó giúp bà con ổn định cuộc sống, có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình. Qua gần 9 tháng thành lập, đến nay Tổ hội nghề nghiệp đan lát xã Phước Thắng có hơn 40 thành viên tham gia. Ông Pi Năng Phố, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thắng cho biết: Tổ hội nghề nghiệp đan lát thành lập giúp các hội viên cùng nhau làm ra những sản phẩm giá trị hơn, tập trung vào các sản phẩm đặc thù của đồng bào Raglai như: Gùi, nia, chiếu, rổ, quạt, nỏ, đàn Chapi... Thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm đan lát qua cổng điện tử postmart.vn; giúp đỡ Tổ hội nghề nghiệp đan lát xây dựng mẫu mã sản phẩm đa dạng phục vụ thị hiếu của người tiêu dùng.
Huyện Bác Ái có 9 xã/38 thôn, dân số hơn 8.000 hộ với trên 34.000 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Raglai (chiếm trên 85%), LĐ trong độ tuổi trên 17.000 người. Xác định Đề án 1956, Quyết định số 71/QĐ-TT là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là cơ hội để người dân LĐ huyện Bác Ái tiếp cận được khoa học - kỹ thuật (KHKT) áp dụng vào sản xuất và tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập phát triển kinh tế gia đình, từng bước cải thiện nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần. Do đó, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của tỉnh, Thường trực Huyện ủy về thực hiện công tác giải quyết việc làm, đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai. Hằng năm, Ban Chỉ đạo huyện hướng dẫn Ban Chỉ đạo các xã tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề cho LĐ nông thôn, ưu tiên các lớp nghề gắn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới để đề xuất kế hoạch dạy nghề cho LĐ nông thôn của địa phương nhằm đảm bảo được hiệu quả khi mở lớp. Trước đây, cuộc sống của gia đình chị Kadá Thị Ánh ở thôn Suối Khô, xã Phước Chính thuộc diện hộ nghèo, kinh tế khó khăn. Với quyết tâm thoát nghèo, năm 2018 chị quyết định đi xuất khẩu LĐ ở Đài Loan làm nghề điện tử. Nhờ chịu khó lao động, công việc cũng phù hợp, cộng thêm làm tăng ca nên mỗi tháng được hơn 15 triệu đồng, có tiền tích góp khi về nước để phát triển kinh tế gia đình. Chị Ánh chia sẻ: Sau khi xuất khẩu LĐ về nước tôi đã tích lũy được một số tiền để xây dựng một ngôi nhà mới khang trang, phát triển đàn bò 11 con và mua một chiếc xe máy để làm phương tiện đi lại, cuộc sống gia đình đã khá hơn trước.
Cán bộ nông nghiệp xã Phước Thành hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật trồng bơ cho nông dân trên địa bàn. Ảnh: Kha Hân
Trong quá trình triển khai các chính sách về việc làm, đào tạo nghề, nhận thức của bà con ở huyện miền núi Bác Ái cũng từng bước được nâng lên. Học nghề đã giúp nhiều LĐ nông thôn nắm bắt được KHKT, từng bước thay đổi thói quen canh tác theo hướng tiếp cận tiến bộ KHKT để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, nâng cao thu nhập. Những LĐ được đào tạo nghề nông nghiệp đã trang bị những kiến thức, áp dụng KHKT vào sản xuất, giúp người LĐ tự tạo việc làm ngay tại diện tích hộ gia đình, tham gia thành tổ hợp tác, hợp tác xã; LĐ học nghề phi nông nghiệp sau khi học nghề đã được giới thiệu vào các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Giai đoạn 2020-2023, công tác đào tạo nghề cho LĐ nông thôn trên địa bàn huyện đạt hiệu quả đáng kể. Tổng số LĐ được giải quyết việc làm mới trên 3.400 LĐ đạt trên 87% kế hoạch tỉnh giao, các LĐ chủ yếu được giới thiệu việc tại các công ty trong và ngoài tỉnh và tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Từ kết quả của công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đã giúp tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 của huyện Bác Ái giảm 6,36%, đạt 127,2% kế hoạch, thu nhập bình quân đầu người 23,6 triệu đồng/người/năm, đạt 116,3% kế hoạch.
Để thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, huyện Bác Ái tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho LĐ nông thôn gắn với đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về vốn vay; phối hợp doanh nghiệp tuyển LĐ, đảm bảo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người LĐ đi làm việc ở nước ngoài, làm việc ngoài tỉnh, giúp người LĐ có điều kiện để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Kha Hân