Thuận Bắc ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp chiếm vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Thuận Bắc. Chính vì vậy, công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ (KHCN) được xác định là nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo thu nhập ổn định cho nông dân.

Huyện Thuận Bắc có quỹ đất canh tác rộng, với hơn 8.600ha, nhưng đa phần thuộc vùng gò đồi, xa nguồn nước và thường xuyên chịu tác động của nắng hạn, do đó hoạt động sản xuất gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc, cho biết: Để khắc phục khó khăn trên, huyện tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương; thường xuyên phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất mới cho cán bộ phụ trách nông nghiệp, quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác và các nông hộ. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi phương pháp canh tác manh mún, nhỏ lẻ chuyển sang sản xuất tập trung gắn với áp dụng KHCN trên diện rộng, từng bước nâng cao chất lượng, sản lượng cây trồng, vật nuôi trên địa bàn.

Trên lĩnh vực trồng trọt, huyện tăng cường chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ thử nghiệm, tuyển chọn các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu để đưa vào sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, các quy trình canh tác tiên tiến để tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn; nhờ đó đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, bước đầu khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. Tiêu biểu như mô hình cánh đồng lúa lớn, quy mô gần 290ha, áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, VietGAP, cho năng suất đạt từ 7-7,5 tấn/ha; mô hình trồng điều hữu cơ, với diện tích 550ha, năng suất đạt 3,5 tấn/ha; mô hình sản xuất chuyên canh cây nha đam 20ha tại xã Bắc Sơn; mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính gắn với hệ thống tưới tiết kiệm tự động tại xã Bắc Phong...

Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính gắn với hệ thống tưới tiết kiệm tự động tại xã Bắc Phong.

Đối với chăn nuôi, nhiều công nghệ hiện đại được ứng dụng để chọn lọc, lai tạo các giống vật nuôi, thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của huyện như mô hình cải tạo đàn bò bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo giống bò vàng địa phương phối với giống bò Braham, giống BBB, cho tỷ lệ thụ thai đạt trên 70%, rút ngắn khoảng cách lứa đẻ, giảm bớt chi phí nuôi cho các nông hộ. Sử dụng công nghệ sinh học, công nghệ 4.0 gắn với xử lý môi trường để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay, toàn huyện có 3 trang trại nuôi heo và 1 trang trại nuôi gà theo hướng công nghệ cao.

Thông qua hoạt động chuyển giao, ứng dụng KHCN, tạo cơ hội cho các nông hộ tiếp cận được kỹ thuật mới, áp dụng vào thực tiễn sản xuất, cải thiện cuộc sống, nâng cao đời sống gia đình. Anh Chamaléa Vân, thôn Kiền Kiền 2, xã Lợi Hải, chia sẻ: Nhờ được tham gia lớp tập huấn; tham quan, học tập từ các mô hình trình diễn giúp tôi trồng 2,5ha điều có hiệu quả, mỗi vụ thu hoạch cho năng suất đạt cao, được thương lái thu mua với giá dao động từ 25.000-30.000 đồng/kg, thu lãi hơn 60 triệu đồng/vụ... Đồng chí Võ Ngọc Phương, Chủ tịch UBND xã Lợi Hải, nhìn nhận: Cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn chiếm số lượng lớn từ trồng trọt và chăn nuôi. Với những kiến thức KHCN được phổ biến không chỉ giúp nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của mỗi gia đình để đầu tư phát triển kinh tế mà còn tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp; nhờ đó, tại địa phương hình thành nhiều vùng sản xuất rau màu chuyên canh, áp dụng quy trình sản xuất an toàn VietGAP, với các loại cây trồng như măng tây xanh, dưa hoàng kim, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thị trường.

Từ việc chú trọng ứng dụng KHCN hiện đại vào sản xuất, đến nay giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác tại vùng chủ động nước đạt trên 106 triệu đồng/ha/năm; ngành chăn nuôi chiếm 52,9% trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện. Theo đánh giá của địa phương, ngoài kết quả đạt được, hàm lượng ứng dụng KHCN; năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN trong sản xuất còn thấp. Mặt khác, do là địa bàn miền núi có gần 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên quá trình tiếp thu, ứng dụng KHCN vào thực tiễn sản xuất còn hạn chế...

Trong thời gian tới, huyện Thuận Bắc đề ra các giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Trong đó, khâu then chốt tập trung hợp tác, liên kết với các trung tâm, viện nghiên cứu tăng cường chuyển giao các giống mới phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng; phối hợp với ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động tập huấn, tổ chức hội nghị đầu bờ các giống cây trồng, vật nuôi mới, giúp nông dân ứng dụng hiệu quả KHCN, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.