Nông dân tích cực chuyển đổi cây trồng vụ đông - xuân

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cây trồng theo chủ trương của UBND tỉnh, vụ đông - xuân 2023-2024, ngành chức năng và các địa phương tích cực vận động nông dân đẩy mạnh chuyển đổi các diện tích trồng lúa kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước sang trồng các loại giống cây trồng chịu hạn, tiết kiệm nước.

Theo đồng chí Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nhằm góp phần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, gắn với thích ứng biến đổi khí hậu; căn cứ vào lượng tích trữ của các hệ thống thủy lợi và nguồn nước từ hồ Đơn Dương, ngành tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông - xuân 2023-2024 phù hợp. Đồng thời, tiếp tục triển khai quyết liệt việc chuyển đổi cây trồng, nhất là ở những vùng tưới bấp bênh, vùng cuối kênh, khu vực tưới của các trạm bơm sang các loại cây trồng cạn hợp lý theo điều kiện từng vùng và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường, đảm bảo sản xuất có hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân.

Chuyển đổi cây trồng ngắn ngày, tiết kiệm nước giúp nông dân xã Lợi Hải (Thuận Bắc) có thu nhập ổn định.

Thuận Bắc là địa phương nằm trong khu vực khô hạn của tỉnh, mặc dù trên địa bàn có nhiều hệ thống thủy lợi, sông suối, hồ đập nhưng đa phần nhỏ, có độ dốc cao; một số vùng sản xuất thuộc gò đồi, xa nguồn nước nên quá trình sản xuất gặp khó khăn nhất định. Trước yếu tố bất lợi trên, trong mỗi vụ sản xuất, huyện đều tổ chức rà soát, bên cạnh việc duy trì diện tích lúa phù hợp, công tác chuyển đổi cây trồng sử dụng tiết kiệm nước, mang tính bền vững được quan tâm, chú trọng; nhờ đó, tạo nên những cánh đồng sản xuất ổn định, làm tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích. Anh Trần Văn Bền, thôn Ấn Đạt, xã Lợi Hải, chia sẻ: Khu vực sản xuất của gia đình tôi thuộc vùng Rẫy Sở được xã quy hoạch để trồng các loại cây ngắn ngày, với diện tích khoảng 10ha. Trên diện tích 3 sào, năm nào tôi cũng trồng luân phiên nhiều loại rau, đậu các loại; riêng vụ này tôi trồng ớt, dưa hấu, hiện đang phát triển tốt, dự kiến cho thu hoạch vào giữa tháng 4 năm nay. Theo Phòng NN&PTNT huyện Thuận Bắc, trong vụ đông - xuân 2023-2024, toàn huyện đã thực hiện chuyển đổi 44,2ha cây trồng, tập trung chủ yếu ở các xã Lợi Hải, Công Hải, Bắc Sơn. Theo đánh giá từ những vụ trước đây, thu nhập từ một số cây trồng như: Dưa, đậu phộng tăng từ 2-2,5 lần, cây bắp tăng 1,3 lần, măng tây xanh tăng 4,5 lần so với trồng lúa.

Do đặc điểm sinh trưởng ngắn, dễ chăm sóc lại sử dụng ít nước, nhiều nông hộ ở các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Ninh Hải... có diện tích trồng lúa năng suất thấp cũng đã chủ động chuyển sang cây trồng ngắn ngày. Kết thúc vụ đông- xuân 2023-2024, toàn tỉnh gieo trồng trên 31.301ha, đạt 101,7% kế hoạch, vượt 1,1% so với cùng kỳ. Thực hiện chuyển đổi 902,3/674,5ha, đạt 133,8% kế hoạch; trong đó, chuyển đổi trên đất lúa 469,8ha và diện tích đất khác 432,5ha, bao gồm cây ngắn ngày và dài ngày.

Ngoài ra, để hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi, ngành chức năng, các địa phương còn linh hoạt bố trí vốn đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương, điều tiết nước hợp lý, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đưa nhiều giống cây trồng mới, tạo sự phong phú, đa dạng trong cơ cấu chuyển đổi. Kêu gọi các công ty, doanh nghiệp, đại lý thu mua nông sản tổ chức liên kết sản xuất, cung ứng vật tư, góp phần giúp nông dân yên tâm sản xuất. Đồng chí Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Cơ cấu giống đưa vào sản xuất trong mùa vụ được các địa phương lựa chọn khá kỹ, chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với từng vùng và từng loại đất. Hiện nay đang là thời điểm cây trồng sinh trưởng và phát triển mạnh, đơn vị chủ động theo dõi, triển khai công tác phòng, chống dịch hại, khuyến cáo nông dân phòng trừ hiệu quả, hạn chế sâu bệnh đến cuối vụ.