Nỗ lực giảm nghèo ở vùng đồng bào Chăm xã Xuân Hải

Hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn là những giải pháp trọng tâm được xã Xuân Hải (Ninh Hải) chú trọng triển khai thực hiện thời gian qua nhằm nâng cao đời sống người dân đồng bào Chăm, hướng tới giảm nghèo bền vững.

Là hộ nghèo, cuộc sống của chị Tài Thị Mai Hương ở thôn Phước Nhơn 3 trước đây hết sức khó khăn khi chồng mất sớm, một mình chị nuôi 4 người con. Từ khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã tạo điều kiện cho chị tiếp cận nguồn vốn vay 50 triệu đồng phát triển kinh tế, đến nay gia đình chị Hương không chỉ thoát nghèo, mà còn có điều kiện nuôi các con ăn học. Chị Hương chia sẻ: Từ nguồn vốn vay của Hội LHPN xã, tôi mạnh dạn mua bò về nuôi. Không chỉ được hỗ trợ vay vốn, tôi còn được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò nên tự tin tăng đàn, xoay vòng phát triển thêm mô hình chăn nuôi cừu. Đến nay, tôi đã trả gần hết số nợ vay, nuôi 3 con bò và 23 con cừu, tạo nguồn thu ổn định, cải thiện đời sống.

Được tiếp cận vốn vay ưu đãi, chị Tài Thị Mai Hương, thôn Phước Nhơn 3, xã Xuân Hải nuôi bò sinh sản vươn lên thoát nghèo.

Xã Xuân Hải hiện có khoảng 2.507 hộ với 9.723 nhân khẩu đồng bào dân tộc Chăm, chiếm 50% dân số toàn xã. Người dân sinh sống chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền khơi dậy tinh thần vươn lên của người nghèo, vận động nhân dân cùng góp sức thực hiện công tác giảm nghèo, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây, con có giá trị kinh tế vào sản xuất, nâng cao thu nhập. Với những hộ thiếu vốn, UBND xã chỉ đạo rà soát, xác định rõ nhu cầu vay vốn và phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phát triển sản xuất.

Ngoài ra, công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được chú trọng. Riêng năm 2023, xã phối hợp với các đơn vị tạo việc làm mới cho 656 lao động, giới thiệu đưa 10 lao động làm việc ở nước ngoài; đồng thời, chú trọng giải quyết việc làm tại chỗ giúp hộ nghèo có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của trung ương, của tỉnh, của huyện để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn mới; lồng ghép, phân bổ hợp lý các nguồn vốn, chương trình, dự án, huy động nguồn lực từ cộng đồng để đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ. Riêng năm 2023, xã đã xây dựng nhiều công trình dân sinh, tạo điều kiện cải thiện đời sống đồng bào Chăm. Đơn cử như xây dựng cầu, nâng cấp mở rộng đài nước sinh hoạt thôn Phước Nhơn; Dự án phát triển thủy lợi phục vụ nông nghiệp công nghệ cao Thành Sơn - Phước Nhơn đang thi công khẩn trương phục vụ sản xuất…

Ngoài việc hỗ trợ phát triển kinh tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, công tác chăm lo nhà ở, sức khỏe cho người nghèo cũng được địa phương quan tâm thực hiện. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay diện mạo quê hương vùng đồng bào Chăm xã Xuân Hải đang đổi thay từng ngày, đời sống Nhân dân được nâng lên, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo. Thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/năm, toàn xã chỉ còn 25 hộ nghèo, trong đó có 12 hộ đồng bào Chăm.

Ông Nguyễn Đình Thi, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Xuân Hải cho biết: Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhất là hiệu quả từ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đời sống đồng bào Chăm trên địa bàn tương đối ổn định, góp phần lớn vào công tác giảm nghèo chung của xã. Chương trình giảm nghèo thực sự đi vào cuộc sống, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân. Để công tác giảm nghèo đạt kết quả cao, thời gian tới xã tiếp tục tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhằm khơi dậy ý chí nỗ lực vượt khó vươn lên thoát nghèo. Tiến hành khảo sát, nắm tình hình đời sống của hộ nghèo, cận nghèo để có giải pháp hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế của từng hộ. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chương trình giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.