Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh, cho biết: Ngay từ đầu vụ, nhờ chủ động phương án sản xuất linh hoạt, điều tiết nước hợp lý cho từng xứ đồng và sử dụng giống xác nhận có khả năng chống chịu tốt dịch bệnh, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển nhanh. Mặc dù canh tác trong điều kiện thời tiết thuận lợi, tuy nhiên qua theo dõi một số cây trồng đang trong giai đoạn sinh trưởng có phát sinh sâu hại ở mức độ từ nhẹ đến trung bình, đơn vị đã triển khai công tác phòng, chống dịch hại, thông báo đến các địa phương khuyến cáo nông dân chủ động phòng trừ.
Cụ thể, trà lúa chính vụ với hơn 15.911ha, xuất hiện sâu đục thân gây hại giai đoạn trổ, bệnh đạo ôn lá gây hại thời điểm lúa đẻ nhánh, làm đồng khoảng 12ha, tập trung chủ yếu ở huyện Ninh Sơn, Bác Ái và rải rác ở một số nơi khác. Bọ trĩ gây hại trên cây nho 3ha, tỷ lệ hại 5-6%, bệnh mốc sương gây hại 6ha, tỷ lệ 5-10%, phân bố tại huyện Ninh Sơn và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm; cây hành, tỏi phát sinh dòi đục lá gây hại 1ha ở huyện Thuận Bắc. Riêng các loại cây trồng khác như dừa, nha đam có phát sinh sâu đầu đen, bệnh thối nhũn gây hại trên diện tích hơn 12ha. Thời điểm hiện tại, nông dân đã chủ động phòng trừ theo hướng dẫn của cán bộ bảo vệ thực vật. Anh Ngụy Nha, thôn Hiếu Lễ, xã Phước Hậu (Ninh Phước), cho biết: Vụ này gia đình xuống giống 3 sào lúa, từ đầu vụ đã xuất hiện một số loại sâu gây hại, tôi đã phun thuốc phòng ngừa không để sâu bệnh lây lan trên diện rộng. Cùng với đó, nhờ có cán bộ kỹ thuật tích cực bám đồng, hướng dẫn bà con chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên tỷ lệ sâu bệnh gây hại ít, không ảnh hưởng nhiều đến quá trình phát triển của cây trồng.
Nông dân xã Lợi Hải (Thuận Bắc) chăm sóc cây ớt.
Trong vụ đông - xuân, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 902,3ha/674,5ha cây trồng, đạt 133,8% kế hoạch, chủ yếu là các cây ngắn ngày tiết kiệm nước. Tại những nơi chuyển đổi, nông dân thường xuyên thăm đồng, theo dõi tình hình sâu bệnh, các khâu làm cỏ, xịt thuốc, bón phân được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật nên cây trồng sinh trưởng tốt. Anh Nguyễn Thành Hiền ở thôn Ấn Đạt, xã Lợi Hải (Thuận Bắc), chia sẻ: Vụ này, được xã tuyên truyền, vận động, gia đình chuyển 2,5 sào lúa không chủ động nước tưới sang trồng dưa hấu. Hiện nay, dưa đã hơn 1,5 tháng, tôi thường xuyên làm cỏ, theo nước giữ ẩm, dự kiến vào cuối tháng 4 tới sẽ cho thu hoạch.
Theo dự báo, từ nay đến cuối vụ diễn biến thời tiết có gió và xuất hiện vài cơn mưa nhỏ, khả năng có sâu bệnh phát sinh, nhất là một số đối tượng như rầy nâu, sâu đục thân, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn cổ bông gây hại lúa giai đoạn đẻ nhánh. Trên cây bắp xuất hiện sâu keo mùa thu, sâu đục thân gây hại khi phát triển thân, lá, trổ cờ; sâu đục trái, bệnh thối trái phát sinh gây hại ở cây táo; bọ trị, bệnh mốc sương, thán thư gây hại ở giai đoạn cắt cành đến mang trái đối với cây nho... Để chủ động phòng tránh, hạn chế tối đa ảnh hưởng của sâu bệnh, Chi cục TT&BVTV tỉnh ban hành công văn đề nghị các Trạm TT&BVTV các huyện, thành phố tiếp tục triển khai và phối hợp các xã, phường, thị trấn tăng cường nắm bắt tình hình, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường cử cán bộ xuống đồng ruộng theo dõi sát sao diễn biến của sâu bệnh, khuyến cáo người dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, đúng thời điểm sinh trưởng của từng loại cây trồng, hạn chế sâu bệnh đến cuối vụ.
Hồng Lâm