Cảm nhận từ một cuộc hành trình

(NTO) Tháng 7 về rực rỡ nắng. Chúng tôi lên đường về xã Phước Tiến anh hùng, trong cuộc “Hành trình về nguồn” nhân kỷ niệm Ngày Thương binh- Liệt sĩ 27-7-2011. Con đường nhựa uốn lượn giữa đại ngàn Bác Ái như càng nổi bật trên nền xanh tươi mát của cây rừng. Phước Tiến hôm nay nhiều đổi thay, nhiều nhà xây, nhiều ti-vi, xe gắn máy,…

Đến thăm các gia đình thương, bệnh binh ở đây, những cảm xúc lẫn lộn khó tả trào dâng trong mỗi chúng tôi. Ngồi quây quần bên nhau, tiếng nói cười gần gũi, thân mật của già và trẻ, của chủ và khách như át đi mọi cách biệt giữa hai thế hệ.

Những mái tóc đã bạc trắng; những gương mặt hằn dấu vết thời gian; những chiếc huân, huy chương được gắn trên ngực trái, ngay cạnh trái tim; tấm ảnh Bác Hồ được đặt trang trọng trên bàn thờ tổ tiên; chiếc ná – vũ khí của du kích Ra glai năm xưa, vẫn treo trên góc tường;… là những gì mà chúng tôi bắt gặp trong cuộc hành trình của mình. Không nhiều, nhưng cũng đủ để hình dung và hiểu được sự hy sinh của thế hệ cha anh.

Những con người nhỏ bé ấy, cách đây mấy mươi năm, ở khoảng thời gian tươi trẻ nhất của đời người đã dâng trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.

Sinh ra khi đất nước đã hoàn toàn độc lập, thế hệ trẻ chúng tôi chỉ biết về chiến tranh qua sách vở, phim ảnh và lời kể của người đi trước. Chính vì thế, chúng tôi càng vô cùng biết ơn sự hy sinh của thế hệ cha anh. Làm sao để xứng đáng với sự hy sinh đó là trách nhiệm của thế hệ thanh niên hôm nay.

Kết thúc cuộc hành trình, hành trang của mỗi chúng tôi trên đường đời như thêm nhiều, thêm nặng, là những câu chuyện cảm động trong kháng chiến, là nụ cười rạng rỡ đầy niềm tin của một bệnh binh bên nương rẫy xanh tốt, là lời hứa với chính mình về một cuộc sống trách nhiệm và có ích, là lòng biết ơn và cảm phục, không chỉ với con người và núi rừng Bác Ái anh hùng.