Tháo gỡ khó khăn trong phân loại chất thải rắn tại nguồn

Theo quy định tại Tiêu chí số 17 về môi trường trong thực hiện Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn (CTR) tại nguồn đạt từ 30% trở lên. Tuy nhiên hiện nay, nhiều địa phương gặp khó khăn, chưa đảm bảo các điều kiện về công tác phân loại rác.

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 385.000 người sống ở 47 xã vùng nông thôn, chiếm khoảng 57,04% dân số toàn tỉnh. Đến nay, đã có 41/47 xã tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt. Do điều kiện đặc thù nên một số xã miền núi của huyện Ninh Sơn và huyện Bác Ái chưa tổ chức thu gom rác thải. Trung bình mỗi ngày, khu vực nông thôn phát sinh khoảng 249,2 tấn rác thải sinh hoạt, chiếm 54,64% khối lượng phát sinh cả tỉnh. Rác thải sinh hoạt có thành phần là chất vô cơ và hữu cơ, trong đó thành phần hữu cơ dễ phân hủy chiếm phần lớn, chủ yếu là thực phẩm thải bỏ. Theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về tiêu chí phân loại CTR tại nguồn, thì CTR được phân làm 3 loại: CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và CTR sinh hoạt khác. Khuyến khích người dân tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi và phần còn lại được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt theo đúng quy định.

Công nhân Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Sản xuất Nam Thành Ninh Thuận thu gom, vận chuyển rác thải tại khu vực cảng Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: P.N

Tại tỉnh ta, việc thực hiện phân loại CTR tại nguồn khu vực nông thôn hiện nay còn chiếm tỷ lệ thấp và chỉ mới phân thành 2 loại. Cụ thể, đến nay có 5 xã (Nhơn Sơn, Phước Hà, Phước Minh, Quảng Sơn, Phương Hải) có thí điểm phân loại rác tại nguồn tại một số khu dân cư tập trung với khối lượng khoảng 12,71 tấn chiếm 2,8% và được phân ra làm 2 loại là chất thải thực phẩm và CTR sinh hoạt khác. CTR sinh hoạt sau khi được phân loại sẽ được tập trung và thu gom đưa về nhà máy xử lý rác thải và chế biến phân hữu cơ vi sinh của Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Sản xuất Nam Thành Ninh Thuận để xử lý thành phân bón hữu cơ vi sinh và các sản phẩm khác từ rác với công suất xử lý 240 tấn rác thải/ngày.

Theo Sở TN&MT, nhìn chung, việc phân loại rác thải tại nguồn khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện, nhưng tỷ lệ hộ gia đình tham gia phân loại CTR tại nguồn còn hạn chế và chưa được phân loại thành 3 nhóm như hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện Tiêu chí số 17 về môi trường, nổi lên một số vướng mắc về công tác phân loại CTR tại nguồn, bởi đến nay một số địa phương vẫn chưa thể bố trí được mặt bằng điểm tập kết chất thải sau phân loại; đầu tư các trang thiết bị, phương tiện và bố trí nguồn nhân lực cho công tác phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải sau phân loại, làm cho việc triển khi thực hiện phân loại CTR tại nguồn tại các địa phương gặp khó khăn. Việc phân loại CTR tại nguồn đối với hộ gia đình ở khu vực nông thôn là việc làm mới, ý thức của người dân đối với công tác phân loại rác thải chưa cao.

Đồng chí Lê Khắc Huy Anh, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Để triển khai thực hiện phân loại CTR tại nguồn trong thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích, hiệu quả của việc phân loại rác tại nguồn, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động phân loại rác; tổ chức hướng dẫn người dân biết cách phân loại CTR tại nguồn. Rà soát và đầu tư bổ sung các trang thiết bị, phương tiện và nguồn nhân lực cho công tác thu gom, vận chuyển rác từ hộ gia đình đến điểm tập kết hoặc trạm trung chuyển sau khi đã phân loại. Đánh giá hiệu quả các mô hình phân loại chất thải tại nguồn đã triển khai thí điểm và nhân rộng mô hình triển khai có hiệu quả ra các điểm, khu dân cư tập trung có cơ sở hạ tầng thuận lợi. Nghiên cứu đưa các quy định về phân loại CTR tại nguồn vào quy ước, hương ước của địa phương.

Đối với đơn vị thu gom, xử lý rác thải, Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Sản xuất Nam Thành Ninh Thuận cần phối hợp với chính quyền địa phương xác định nhu cầu cần đầu tư bổ sung các trang thiết bị, phương tiện và nguồn nhân lực cho công tác thu gom, vận chuyển; thời gian, địa điểm, tần suất thu gom các loại CTR sau phân loại. Đầu tư bổ sung các máy móc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác; phối hợp và hỗ trợ chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại CTR tại nguồn.