(NTO) Sau đợt điều chỉnh tăng giá xăng, điện vừa qua đã kéo theo các dịch vụ, các mặt hàng thiết yếu cũng “đội giá” lên. Hàng hóa tăng giá không chỉ làm ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập thấp mà cả các nhà sản xuất, các doanh nghiệp đều có chung những trăn trở, nỗi lo thường trực phải làm sao để duy trì sản xuất, kinh doanh đảm bảo cuộc sống của người lao động.
Nhiều gia đình cân nhắc khi chọn mua thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày.
Việc tăng giá xăng, giá điện kéo theo hàng loạt các mặt hàng khác tăng theo, bởi điện và xăng dầu là đầu vào cơ bản của hàng loạt các ngành kinh tế, từ sản xuất đến dịch vụ. “Bão giá” lấn sâu vào từng ngõ ngách, nhất là người có thu nhập thấp. Việc tăng giá điện, xăng dầu đã kéo theo tình trạng “tát nước theo mưa” làm tăng giá của nhiều loại hàng hóa, từ mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh đến các loại hàng hóa khác.
Ở tỉnh ta, do thu nhập của đại bộ phận người dân chủ yếu là từ nông nghiệp, vì thế người nông dân vốn đã chịu nhiều khó khăn, nay càng khó khăn hơn, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa. Theo khảo sát, giá hàng hóa trên thị trường tăng rất cao, tại chợ Phan Rang giá thịt heo đùi từ 75.000 đồng/kg lên 95.000 đồng/kg, thịt bò loại 1 từ 120.000 đồng lên 180.000 đồng/kg; các loại hàng thực phẩm đóng gói và gia vị tăng từ 2% – 10% . Lý do đều quy về một mối: Xăng tăng giá!
Giá rau xanh cũng đồng loạt tăng theo. Nhiều gia đình chọn giải pháp giảm thịt, tăng rau trong bữa ăn nhưng giá rau cũng chẳng thấp. Ngỡ tưởng, người trồng rau sẽ rất vui vì được giá, nhưng trái lại người trồng rau tỉnh nhà cũng rất lo lắng. Bác Phan Công Lý, ở khu phố 11, phường Văn Hải (Phan Rang-Tháp Chàm) cho biết: “Thu nhập gia đình tôi chủ yếu là trồng các loại rau xanh. Giá củ cải nhà tôi trồng thương lái đến mua giá rất thấp từ 3.000 – 4.000 đồng/kg. Vật tư phục vụ sản xuất giá tăng rất nhiều, đơn cử trước đây 1 ký phân urê có giá 7.000 đồng thì bây giờ đã là 11.500 đồng/kg. Vì vậy lợi nhuận nhà nông chúng tôi thu được sau vụ rau không nhiều.”. Giá rau xanh tại nhà vườn là vậy nhưng khi ra chợ giá cao ngất ngưởng gấp 1,5-2 lần.
Không chỉ nông dân, công nhân, người lao động phổ thông mà cả cán bộ, công chức cũng bị “đuối” vì giá tăng cao. Thầy Nam, giáo viên một trường THCS ở huyện Ninh Phước cho biết: “Mặc dù lương có tăng nhưng với thực tế giá các mặt hàng hàng hóa tăng cao như hiện thì những giáo viên như chúng tôi phải tính toán thật kỹ trong chi tiêu mới đảm bảo chất lượng cuộc sống gia đình.”.
Trong khi đó, các doanh nghiệp dù sản xuất hay kinh doanh, ít nhiều đều bị ảnh hưởng mang tính dây chuyền. Chia sẻ về điều này, ông Đặng Văn Phước, Phó Giám đốc kinh doanh-Công ty CP Mía đường Phan Rang cho biết: “Do cước vận chuyển tăng khoảng 20%, để đảm bảo sản xuất công ty đã phải nâng công suất, tăng sản phẩm nhằm giảm chi phí giá thành. Đồng thời để đảm bảo đời sống cho công nhân viên công ty đã hỗ trợ thêm 400.000đồng/1 người/1 tháng”.
Một số ngành kinh doanh dịch vụ, vận tải cho đến các tài xế xe ôm cũng là những người chịu hệ lụy từ việc tăng giá xăng. Tất cả đang phải tính toán để vừa hoạt động đều đặn mà vừa duy trì lượng khách. Anh Nguyễn Văn Tài, làm nghề xe ôm tại Bến xe Phan Rang cho biết: “Tui chạy xe ôm gần 20 năm nhưng chưa bao giờ công việc lại khó khăn như thời điểm hiện nay. Dù xăng tăng giá, nhưng chúng tôi không thể tăng giá vì sợ khách không đi. Nhiều lúc đã chấp nhận đi với giá “bèo” để… không ế khách.”
Giá hàng hóa ở mức cao là nỗi lo chung của toàn xã hội. Tăng một giá…trăm người lo; chuyện tăng giá gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của mỗi gia đình, đến sản xuất- kinh doanh của các doanh nghiệp. Đây cũng là thời điểm khó khăn chung, vì vậy tỉnh ta cũng đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Và người dân, sau thời gian lo lắng với sự leo thang của giá cả thì cũng cần phải tập thích ứng với mặt bằng giá mới. Để đảm bảo cuộc sống, mỗi gia đình cần thống kê chi tiết các khoản chi tiêu trong tháng để điều chỉnh cho phù hợp, việc cắt giảm chi tiêu không cần thiết cũng là điều cần làm.
Hàn Dạ Nguyệt